Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Đường ven biển Ninh Thuận dài 106,4 km đã chính thức được thông xe toàn tuyến. |
Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, Ninh Thuận đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển. Trước mắt, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm ngành: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển và ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.
Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng bình quân 15-16%/năm. Đến năm 2020, kinh tế biển chiếm 38-40% tổng sản phẩm nội tỉnh; tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển đạt khoảng 17.000-17.500 tỷ đồng, trong đó thủy sản chiếm 34-35%; công nghiệp ven biển 55-56% và du lịch biển 9-10%; giá trị xuất khẩu của ngành kinh tế biển chiếm 46-47% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Phấn đấu huy động vốn đầu tư cho ngành kinh tế biển khoảng 19.000-20.000 tỷ đồng. Nâng chất lượng du lịch biển, từng bước trở thành khu vực du lịch trọng điểm của quốc gia.
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt 70-75 ngàn tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65-70%.
Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Đông Hải, Ninh Chữ… thành các trung tâm thương mại nghề cá, kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền.
Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Phấn đấu đến 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400-2.500 ha.
Tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển. Trước mắt, tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, đường vào khu du lịch biển…
Tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư có uy tín tham gia các dự án du lịch lớn, chất lượng cao, từng bước hình thành các trung tâm du lịch ven biển đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch biển trọng điểm theo quy hoạch nhằm hình thành và phát triển các tour, tuyến du lịch nội địa và quốc tế.
Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, tạo điểm nhấn riêng biệt, có khả năng cạnh tranh để thu hút du khách trong nước và quốc tế như: du lịch văn hóa kết hợp với các lễ hội truyền thống và ẩm thực vùng biển; du lịch sinh thái vùng ven biển; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp….
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp ven biển đã được cấp phép đầu tư; tập trung phát triển ngành năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời khu vực ven biển theo quy hoạch. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp sản xuất muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, hệ thống kho tàng, bến bãi, cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ vận tải biển và đánh bắt hải sản… đảm bảo các yêu cầu về môi trường sinh thái biển và ven biển.