Ninh Bình: Triển khai tích cực công tác giáo dục việc làm, ATVSLĐ
Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Ninh Bình về tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 về công tác người lao động, người có công và xã hội, Sở đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách qua đó góp phần triển khai kịp thời các quy định, chính sách vào cuộc sống.
Kiểm tra công tác ATVSLĐ, PCCN tại Công ty TNHH Gas Ninh Bình |
Đối với lĩnh vực lao động, dạy nghề, việc làm: Tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 phê duyệt Đề án số 12 về Xuất khẩu lao động; ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài; Kế hoạch hoạt động tháng An toàn vệ sinh lao động.
Về kết quả công tác lao động- việc làm- dạy nghề, Sở đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo việc làm và phát triển thị trường lao động.
Cụ thể nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Tổ chức thành công 12 phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng với 342 lượt đơn vị tham gia với 33.121 lượt chỉ tiêu tuyển dụng, 02 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động tại địa phương; 01 hội nghị tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn tuyển dụng, 01 phiên giao dịch việc làm chuyên đề “Du lịch- Khách sạn- Nhà hàng”.
Kết quả, đã tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật lao động cho 15.509 người; giới việc làm cho 1.096 người, trong đó có 652 người được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc thu thập và cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu cung- cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt kịp thời thị trường lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề sát thực, phù hợp với thị trường cung, cầu lao động. Trong năm, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lượt lao động, vượt 3,1% kế hoạch năm, có 1.000 người đi xuất khẩu lao động, đạt 100% kế hoạch năm.
Kịp thời giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thẩm định và ra quyết định cho trên 5 nghìn người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền chi trả trên 49 tỷ đồng.
Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017. Tổ chức thành công Lễ Phát động Tháng hành động tại Thành phố Tam Điệp; phối hợp kiểm tra, hướng dẫn tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động và quản lý lao động người nước ngoài tại 15 doanh nghiệp; tổ chức 5 hội nghị tọa đàm, tư vấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho 5 doanh nghiệp, thăm, tặng quà cho 5 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động chết người.
Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia An toàn vệ sinh lao động. Kết quả đã huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 280 người lao động tại các huyện, thành phố và các doanh nghiệp có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các quy định về pháp luật lao động và công tác phòng chống lụt bão.
Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Cụ thể, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về lao động, tiền lương; tiếp nhận đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động của 53 doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm, đối thoại chính sách pháp luật lao động cho 1.295 người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp giải quyết kịp thời 3 vụ ngừng việc tập thể của 2.100 lao động, không để kéo dài; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động.
Về phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển. Sở đã phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án đổi tên, sáp nhập 8 trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện; tổ chức tiếp nhận, bàn giao chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở giáo dục và Đào tạo, đến nay trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề từng bước được quan tâm, đầu tư theo hướng tập trung vào các nghề trọng điểm, gắn với thị trường lao động.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động: thẩm định, cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 47 nghề đào tạo ở các bậc trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng; Tổ chức các hình thức dạy nghề phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia học nghề.
Năm 2017, tuyển sinh và đào tạo nghề cho 17.100 người, trong đó đào tạo nghề dài hạn cho 4.600 lượt người, ngắn hạn cho 12.500 lượt người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh lên 46%. Kết quả công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, thay đổi cơ cấu lao động, phát triển nhanh các làng nghề và tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.