Niềm vui của những em bé chân đất ở Yên Bái
Trường học là ngôi nhà thứ 2
Vượt qua quãng đường hơn 300 cây số với những con đường đồi núi ngoằn nghèo, chúng tôi đến với xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vào một ngày đầu hạ. Với những trái tim đầy nhiệt huyết, các tình nguyện viên đến từ câu lạc bộ Giấc Mơ Việt Nam và Công ty TNHH Marketing Canon Việt Nam đã mang hàng nghìn đồ dùng học tập, lương thực cùng máy móc trang thiết bị để tặng các em học sinh và thầy cô giáo nơi vùng cao tây bắc.
Hai điểm trường được chọn là Tà Lành và Ngọ Lành của trường phổ thông dân tộc nội trú Nậm Lành.
![]() |
Những em học sinh ở Nậm Lành. |
Đây là nơi nuôi dưỡng giấc mơ học chữ cho hàng trăm em nhỏ người dân tộc Dao, Thái và Mông. Do đặc thù sinh sống thành từng bản nhỏ ở chân núi hoặc canh tác và sinh sống trên núi, nhiều em sống cách xa điểm trường tới hàng chục km nên ngôi trường nội trú đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em.
![]() |
![]() |
Đoàn từ thiện trao quà cho các em học sinh ở Nậm Lành |
Lớp học của các học sinh dân tộc nơi đây cực kì thiếu thốn về cơ sở vật chất so với các lớp học dưới đồng bằng. Những chiếc bàn cũ kĩ được xếp trên nền đất của căn nhà sàn, bảng viết không có tường chắc để treo, được dựng tạm lên trên bàn gỗ.
Sau chương trình “bữa cơm có thịt” được khởi động từ những năm trước, bữa ăn của các em học sinh đã được cải thiện nhưng đời sống vẫn còn hết sức khó khăn.
Niềm vui khi có dép mới đi học
Một điều dễ dàng nhận thấy ở các điểm trường đó là các em học sinh không có cặp, sách vở mang theo được cho vào những chiếc túi ni lông hoặc cầm tay đến trường. Những đôi chân lấm lem bùn đất, nứt nẻ vì đi bộ. Nhiều em còn không có giầy dép, đi chân đất đi học.
![]() |
![]() |
![]() |
Nhiều em học sinh không có dép đi học |
Nhìn những ánh mắt long lanh, rạng ngời niềm vui của các em học sinh ở điểm trường Tà Lành và Ngọ Lành khi được nhận dép mới, cặp mới, sách, vở, đồ dùng học tập… những nụ cười tươi rói, nửa vui sướng, nửa ngượng nghịu cứ như không thể tắt đi trên những khuôn mặt non nớt ấy khiến chúng tôi không thể nào quên.
Rụt rè cầm đôi dép mới tinh tươm trên tay ngắm nghía, phải mất một lúc cậu bé Triệu Văn Tôn (lớp 3) mới dám xỏ vào đôi chân để chạy nhảy vui chơi cùng đám bạn. Với những đứa trẻ ở đây, sự thiếu thốn, khó khăn đã như một điều tất yếu của cuộc sống mà chúng phải chấp nhận bởi vậy nên những niềm vui đôi khi thật giản dị, nhỏ bé.
![]() |
Hân hoan khi có dép mới đi học |
Phàn Thị Liên, Phàn Thị Hoa là những em là những em học sinh chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện. Qua những câu chuyện các em kể về gia đình, về hoàn cảnh, cả về những ước mơ mới thật thấm thía rằng ở nơi vùng cao xa xôi ấy với muôn vàn khó khăn, trẻ em phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với việc bị thất học bởi cuộc sống mưu sinh nhưng từ sâu thẳm các em vẫn ấp ủ cho mình những hy vọng, những ước mơ bình dị, sau này lớn lên được làm giáo viên để dạy học, được làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ, thật bình dị nhưng đáng yêu và đáng quý biết bao.
![]() |
Niềm vui đến với những mầm non tương lai của đất nước. |
Trong buổi lễ trao quà, một học sinh dân tộc tiêu biểu của trường đã không ngần ngại thay mặt cho các bạn phát biểu những cảm tưởng của mình: “Với chúng em, đây là món quà hết sức ý nghĩa. Những chiếc áo ấm chứa đựng sự cảm thông, chia sẻ của các cô, các chú miền xuôi. Đây sẽ là nguồn cổ vũ, động viên chúng em có gắng học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, có tâm, có đức xây dựng bản làng, quê hương sau này.
Chia tay hai điểm trường vùng cao, những bàn tay bé nhỏ không ngừng vẫy chào, những tiếng ánh mắt vui tươi của các thầy cô và những em học sinh dân tộc khiến chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Chuyến đi sẽ là những ký ức không thể nào quên thôi thúc chúng tôi trở lại để giúp đỡ, ươm mầm cho những thế hệ tương lai của đất nước.
Kinh Vân