Những tiên đoán đúng và sai của Mỹ về năm 2015
Theo Sputnik, vào tháng 12/2000, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) đã cho công bố bản dự báo “Khuynh hướng toàn cầu năm 2015”. Trong đó, giới chuyên gia NIC đã liệt kê nhiều tiên đoán như: khoảng cách kinh tế giữa các nước ngày càng lớn, sự trỗi dậy của Trung Quốc, các cuộc tấn công mạng, Triều Tiên sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Trung Đông bất ổn do các biến động xã hội, tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan, khủng bố…
Chính sự sụp đổ của khối Liên Xô cũ vào năm 1991 đã tạo ra làn sóng thay đổi địa chính trị rộng lớn trên toàn cầu. Đây cũng là lý do mà 10 năm sau tức năm 2000, NIC đã cho ra đời bản báo cáo “Khuynh hướng toàn cầu năm 2015”.
Dự báo năm 2000 của NIC về tình trạng bất ổn gia tăng tại Trung Đông vào năm 2015 đã trở thành hiện thực. |
Theo dự báo vào năm 2000 của NIC, trong 15 năm tới, Mỹ sẽ mở rộng vai trò lãnh đạo thế giới hay nói cách khác là “bá chủ toàn cầu”.
“Mỹ sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực chính trong cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế, kỹ thuật, quân sự và ngoại giao mang tính toàn cầu của Mỹ sẽ khiến không một quốc gia hay khu vực và tổ chức quốc tế nào trên thế giới, có thể sánh kịp vào năm 2015. Sức mạnh quyền lực sẽ không chỉ giúp Mỹ duy trì vị thế độc tôn mà còn là thứ vũ khí quan trọng thay đổi hệ thống quốc tế”, bản báo cáo của NIC viết.
Ngoài ra, NIC cũng chỉ ra những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, có thể trở thành mối đe dọa của Washington và giành mất vị thế lãnh đạo số 1 toàn cầu của Mỹ.
Theo NIC, “Vào năm 2015, mặc dù đa phần đối thủ của Mỹ đều phải công nhận ưu thế vượt trội của Washington trên mặt trận công nghệ thông tin và quân sự, nhưng những quốc gia này sẽ cố gắng dùng thủ đoạn hoặc hạn chế tối đa ưu điểm đồng thời khai thác điểm yếu của Mỹ”.
Điều đáng nói là ngay từ năm 2000, NIC đã dự đoán vào năm 2015, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và Iraq là những đối thủ tiềm năng đe dọa tới nền an ninh nước Mỹ khi các nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hay thậm chí tên lửa hạt nhân.
Từ năm 2000, giới chuyên gia Mỹ đã dự báo Triều Tiên sẽ trở thành mối đe dọa an ninh với quốc gia này. |
Những phân tích của NIC cũng đã dự đoán chính xác các điểm nóng của hoạt động khủng bố và bất ổn xã hội trên thế giới tập trung tại Trung Đông, khu vực châu Phi hạ Sahara, phía bắc Trung Quốc cũng như khu vực Trung và Nam Phi.
NIC nhấn mạnh “xu hướng công nghệ thông tin phủ sóng toàn cầu sẽ trở thành công cụ phổ biến liên lạc giữa các phần tử khủng bố, dân buôn lậu ma túy và vũ khí cũng như các tổ chức tội phạm. Theo đó, mạng lưới internet sẽ trở thành công cụ trợ giúp đắc lực để các nhóm tội phạm tiếp cận, chia sẻ nguồn thông tin, công nghệ, tài chính và cả những mánh khóe lừa đảo tinh vi”.
Đáng buồn là dự báo này đã trở thành hiện thực. Điển hình là sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông.
Liên quan tới những xu hướng toàn cầu hóa trong tương lai và “cuộc cách mạng công nghệ thông tin”, trong bản dự báo công bố năm 2000, giới chuyên gia NIC đã nhấn mạnh tới vai trò ngày càng lớn của các tổ chức xuyên quốc gia, các tập đoàn tư nhân và phi chính phủ cũng như những chính trị gia mới nổi.
Và giờ đây, các tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia hiện đang đóng một vai trò vô cùng to lớn trong “các cuộc cách mạng màu” nhằm thay đổi trong cán cân quyền lực tại khu vực Trung Đông và Đông Âu trong những năm gần đây.
Bên cạnh những dự báo chính xác, các chuyên gia NIC cũng đã đưa ra không ít lời tiên tri sai. Rõ ràng họ đã không lường trước được sự thành công của các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.
Thậm chí, các chuyên gia Mỹ đã không thể hoặc không muốn chấp nhận xu hướng tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực kinh tế và quân sự của Nga cũng như vai trò ngày càng lớn của Moscow trong khối BRICS, đang dần dần thay thế vị trí dẫn đầu của Washington trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo bản báo cáo năm 2000 của NIC: “Nội lực của nước Nga vẫn sẽ duy trì ở mức yếu kém và con đường chính kết nối Moscow với hệ thống toàn cầu chỉ thông qua chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ vẫn giữ được vị thế cao của mình dù họ không thể dự báo chính xác được những thay đổi của nước Nga trong năm 2015”.
Bản báo cáo năm 2000 của NIC đã đánh giá sai sự phát triển nhanh chóng của Nga trên trường quốc tế. |
Ngoài ra, bản báo cáo này còn đề cập tới “4 xu hướng thay đổi toàn cầu”. Đây cũng chính là lời cảnh báo của giới chuyên gia về những tác động xấu ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trên thế giới cũng như lợi ích của nước này.
Theo đó, 4 xu hướng này gồm sự phát triển ngày càng nhanh của chiến dịch chống toàn cầu hóa; liên minh địa chính trị giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có thể làm “thay đổi cán cân” ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây; sự sụp đổ của liên minh Mỹ - EU, hay sự ra đời của những tổ chức mang tên “Qũy Tiền tệ châu Á” hay “Tổ chức Thương mại châu Á” để cạnh tranh với Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) và WTO.
Do đó, giới phân tích đã kêu gọi chính phủ Mỹ tránh vấp phải những kịch bản trên bằng mọi giá trong khi vẫn duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu. Và dường như, chính quyền Mỹ đã lắng nghe lời khuyên của NIC.
Trong những năm qua, Mỹ đã thắt chặt quan hệ với EU và duy trì quyền kiểm soát chính trị đối với Brussels. Ngoài ra, để ngăn sự trỗi dậy của chính quyền Trung Đông tại Iraq, Iran và Syria, nước Mỹ đã cho triển khai vài chiến dịch quân sự chống lại Iraq cũng như ủng hộ phe đối lập tại Syria. Và hiện giờ, Mỹ đang mở rộng quyền kiểm soát quân sự tại khu vực Trung Đông trong cuộc chiến tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Đồng thời, bằng cách thi hành lệnh trừng phạt chống lại Nga, Washington đang cố gắng giảm tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Moscow trên trường quốc tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.