Những nhà khoa học chân đất ở Sơn La
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La đã cung cấp cho chúng tôi danh sách những “nhà khoa học chân đất” của tỉnh. Người tiêu biểu đầu tiên được giới thiệu là ông Nguyễn Xuân Tá, Giám đốc doanh nghiệp Xuân Hồng tại Mộc Châu. Tôi chợt nhớ cách đây không lâu đã gặp ông tại Hội chợ thương mại - du lịch Sơn La với các tỉnh Bắc Lào tổ chức tại Thành phố. Gian trưng bày sản phẩm hoa quả nhiệt đới của ông đã được khá đông đại biểu là nước bạn Lào đến xem. Từ quốc lộ 6, chúng tôi tìm đến với ông. Trang trại, nhà ở và cũng là văn phòng doanh nghiệp nằm bên đường vào khu Tân Lập, thuộc tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Mộc Châu. Ông Tá là một cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4, dù chỉ học lớp 7/10, nhưng ông đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống cây ăn quả mới, nhất là cây hồng ở vùng đất Tráng Việt, Mê Linh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) và vùng đất Mộc Châu.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn, con trai ông Tá dẫn chúng tôi thăm khu vườn và trang trại của doanh nghiệp. Ở đây có hàng chục giống hồng khác nhau, trang trại còn là nơi lưu giữ các nguồn gen hồng giòn nhập ngoại. Tuấn bảo: mỗi năm thu nhập từ trang trại khoảng 200 triệu đồng chỉ từ bán hồng và sản xuất từ 1,5 đến 2 vạn cây giống cho những nhà vườn trong và ngoài tỉnh.
Theo lời kể của ông Tá: năm 2001, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi công tác Nhật Bản đem về giống hồng Fuyu, thuộc giống hồng giòn ôn đới. May mắn là ông được mời tham gia nghiên cứu lai tạo. Ông nói: “Cây trồng nào có đất đều mọc được cả, nhưng có quả thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết khí hậu của từng vùng”. Với sự kiên trì, ham học hỏi và kinh nghiệm của nhà làm vườn, vừa tranh thủ sự hướng dẫn, tư vấn của các nhà khoa học chuyên nghiệp, tìm đọc sách báo và sự đam mê, ông đã từng bước thành công. Tại trang trại ở Tráng Việt, ông thử nghiệm ghép thành công giống hồng ngoại với giống hồng bản địa. Nhân giống thành công ở Mê Linh, ông đem lên trồng thử nghiệm tại trang trại ở Mộc Châu. Không ngờ, 3 năm sau, các loại hồng ôn đới trồng ở đồng bằng không có quả, còn ở Mộc Châu lại cho rất nhiều quả, to, đẹp, ăn giòn, ngọt dịu và thơm mát. Từ thành công này, năm 2004 ông quyết định mở doanh nghiệp, thực hiện việc nhân giống, chuyển giao kỹ thuật mở rộng sản xuất ở Mộc Châu.
Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận và đặt tên giống hồng Mộc Châu là MC1 ở Mộc Châu Sơn La. Cây giống và quả hồng MC1 đã tham gia nhiều hội chợ lớn trong nước và cả quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Năm 2009, giống hồng MC1 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng cúp vàng tại Hội chợ triển lãm quốc tế AGROVIET 2009 tại Hà Nội; tại Sơn La ông Tá được tặng giải ba Hội thi sáng tạo toàn tỉnh Sơn La về kỹ thuật nhân và trồng giống hồng MC1.
Ở Mường La, nhà khoa học chân đất được giới thiệu là Nguyễn Anh Tuấn. Trụ sở HTX cơ khí Thanh Niên của anh ở cuối thị trấn Ít Ong. Chúng tôi đến vào thời điểm khá đông khách lựa chọn phương tiện chuẩn bị cho sản xuất đầu năm. Trong khi đợi Tuấn, bà Đặng Thị Cơ, mẹ đẻ của anh kể chuyện: Từ nhỏ Tuấn rất thông minh, hay nghịch, tự làm đồ để chơi. Năm 1997, đang học lớp 11 Tuấn bị ốm nặng nên gia đình đành phải cho nghỉ học ở nhà phụ giúp bố sửa xe máy. Năm 2001 theo gia đình lên lập nghiệp tại Ít Ong, Mường La.Ý tưởng sáng chế chiếc máy cày mini hình thành trong Tuấn khi thấy đồng đất ở miền núi không thể đưa máy móc lớn vào được. Sau nhiều lần thử nghiệm không thành, chi phí tốn kém, nhưng với quyết tâm, sự đam mê sáng tạo, vừa học hỏi thêm, vừa nghiên cứu, đến năm 2008, chiếc máy cày mini của Tuấn đã thành công. Ưu điểm của máy cày mi ni là sử dụng động cơ xe máy có trọng lượng nhẹ, dễ dàng vận chuyển máy đi làm nương, cày ruộng bậc thang. Hiệu suất của máy cày mini gấp nhiều lần sức trâu, bò. Để đáp ứng nhu cầu trên thị trường, anh đã cùng một số thành viên thành lập HTX cơ khí nông nghiệp Thanh Niên, chuyên sản xuất máy cày cầm tay. Máy cày trên đất dốc của HTX được nhiều người dân trong tỉnh đến đặt hàng mà còn có cả khách các tỉnh đến đặt mua. Nguyễn Anh Tuấn vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, trao tặng giải thưởng “Sáng tạo trẻ Lương Định Của” năm 2010.
Ngoài Nguyễn Xuân Tá, Nguyễn Anh Tuấn còn có anh Mai Đức Thịnh, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp 19-5 ở Mộc Châu. Mới tốt nghiệp THPT nhưng anh đã tiên phong đưa vào trồng thử nghiệm ở Mộc Châu nhiều loại rau, hoa chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến. Sản xuất thử nghiệm thành công rượu vodka có hương vị đặc trưng từ quả mận hậu. Một số sản phẩm rau, hoa, rượu mận, rượu ngô (giọt châu sa) của HTX đã được tặng Huy chương vàng và Cúp vàng tại các Hội chợ thực phẩm chất lượng Việt Nam.