Những người treo khẩu hiệu ngày Cách mạng Tháng 8
Bác nói “Cách mạng tháng Tám là do Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh gian khổ với thực dân Pháp và phát xít Nhật để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, chứ có ai đến giải phóng cho ta đâu mà phải hoan hô họ?!”.
Buổi lễ mít tinh ngày 20/8/1945, tại đường Paul Bert. (ảnh tư liệu)
Những ngày sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội rợp bóng đỏ của cờ và khẩu hiệu. Bấy giờ ta đang chuẩn bị đón quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân Nhật đã đầu hàng.
Trên nhiều đường phố của Thủ đô, có những khẩu hiệu được viết bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga trên băng đỏ, chữ vàng: Nước Việt Nam của người Việt Nam, Độc lập hay là chết!, Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta…
Một hôm, có hai người tuổi ngoài ba mươi đi trên hè phố, vừa đi vừa hân hoan ngắm nhìn cảnh tượng phố xá tưng bừng như trong buổi mới. Chợt một người chỉ lên một tấm biểu ngữ chăng ngang nói với người kia: “Khoa này, những khẩu hiệu và cờ như choàng cho thủ đô chiếc áo ngày cưới”.
Người vừa nói đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, còn người tên Khoa chính là đạo diễn điện ảnh tương lai Phạm Văn Khoa. Hai ông được Hội Văn hóa cứu quốc giao trách nhiệm treo các khẩu hiệu thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam khi quân Đồng minh vào Hà Nội. Công việc được thực hiện, hai ông đi kiểm tra một lượt, đồng thời cũng để tận hưởng niềm vui chiêm ngưỡng thành quả của mình…
Không ngờ, tối hôm ấy, các ông được biết Hồ Chủ tịch chỉ thị phải dỡ bỏ ngay khẩu hiệu Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta. Bác nói: “Cách mạng tháng Tám là do Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh gian khổ với thực dân Pháp và phát xít Nhật để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, chứ có ai đến giải phóng cho ta đâu mà phải hoan hô họ?!”. Thế là, ngay lúc đêm hôm, Nguyễn Huy Tưởng và Phạm Văn Khoa mượn xe cam nhông của Tòa thị chính đi các phố gỡ các khẩu hiệu non yếu về chính trị kia…
Câu chuyện này được đạo diễn Phạm Văn Khoa kể trong bài Những lời Bác dạy khi được tin Bác mất. Bài viết thể hiện nỗi tiếc thương vô hạn của tác giả đối với lãnh tụ. Đồng thời cũng là một kỷ niệm có nhiều ý nghĩa về hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc những ngày đầu mà bác Phạm Văn Khoa và cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là hai trong số những thành viên nòng cốt.
Đạo diễn Phạm Văn Khoa (thứ ba từ phải sang) tại một liên hoan phim.
Riêng với tôi, câu chuyện mà bác Phạm Văn Khoa kể đã bổ khuyết rất nhiều cho những gì tôi được biết về bác, trước hết là qua nhật ký của cha tôi - cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tháng 3 năm 1960, cha tôi ghi lại một sự việc mà ông cho là “khá thảm”. Họa sĩ Nguyễn Sáng có một bức sơn mài “Hà Nội trong đêm” được treo ở Câu lạc bộ quốc tế. Do cái tên tranh, người phụ trách câu lạc bộ cho là một đề tài lạc hậu, nên quyết định hạ xuống. Người ta gỡ tranh ra, giữ lại cái khung, còn bức tranh vứt vào một xó rồi gọi bán.
Đạo diễn Phạm Văn Khoa tình cờ đi qua, hỏi giá, thấy nói khoảng 100 đồng thì mừng quá. Ông vội về nhà bán chiếc xe đạp và một số thứ khác nữa cho đủ số tiền (bấy giờ 100 đồng là rất to). Nhưng đến lúc ấy thì cũng đã nhiều người biết chuyện, các vị ngoại giao đoàn và chuyên gia quốc tế nhao nhao hỏi mua. Một người Rumani đã trả tới 700 đồng. Người phụ trách câu lạc bộ thấy thế, đoán bức tranh có giá trị, bèn không bán nữa.
Ghi lại sự việc ấy, cha tôi không có ý định tả chân ai, mà ông chỉ thổ lộ một nỗi “buồn cho nghệ thuật”. Vô hình trung, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã tô đậm thêm rất nhiều tính hài hước trớ trêu của câu chuyện. Bấy giờ, xe đạp còn là của quí hiếm. Chỉ một số ít người mới có được.
Với một người đi làm Nhà nước như bác Khoa, chiếc xe đạp là vật không thể thiếu, để đạp đi làm, đi họp, đi liên hệ công tác… Không có nó khác nào như bị chặt chân. Thế mà ông đã dám bán chiếc xe đi, mà là bán vội bán vàng, những mong đổi lấy một nghệ phẩm bị người ta cho là “đề tài lạc hậu”!
Đạo diễn Phạm Văn Khoa quả là người yêu hội họa. Người viết bài này từng có lần được theo mẹ đến thăm đạo diễn. Bấy giờ là đầu năm 1979, đang thời bao cấp khó khăn. Trong lúc bác lúi húi pha trà, bóc bánh mời khách, tôi tranh thủ ngắm nhìn xung quanh. Khắp bốn bức tường nhà bác đều có treo tranh, những bức tranh mà tôi biết là rất quí vì bác vốn là người sành hội họa. Nhưng tôi khó có thể hình dung, làm sao bác có được từng ấy báu vật?
Có lẽ, với một người nổi tiếng quảng giao và lắm bạn như đạo diễn Phạm Văn Khoa, những bức tranh mà bác có là được bạn bè tặng cho, chứ dễ gì lần nào bác cũng có thể bán xe đạp mà mua cho được! Nhưng dù là được cho hay mua được, trước hết phải có lòng say mê nghệ thuật lắm mới được người ta chọn mặt gửi vàng, giao phó cho những bức tranh như thế…
Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, điều này xem ra thật hợp với đạo diễn Phạm Văn Khoa, tác giả của các bộ phim nhựa nổi tiếng Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy… Vợ ông là nữ diễn viên sân khấu Bích Châu, đồng thời cũng là một người chơi piano có tiếng. Căn phòng của ông ở ngõ Phan Chu Trinh, Hà Nội thường vang tiếng dương cầm, mỗi khi có bạn bè đến chơi, muốn thưởng thức âm nhạc.
Ở bài viết này, tôi xin mượn lời một bài báo để được nói về sự say sưa, nhiệt huyết của người nghệ sĩ Phạm Văn Khoa khi làm nghệ thuật, bất kể là sân khấu, điện ảnh hay gì gì đi nữa. Tác giả Trung Sơn, trong bàiĐạo diễn Phạm Văn Khoa và mùa thu Hà Nội có kể rằng, năm 1953, ngành điện ảnh quốc gia được thành lập ở chiến khu Việt Bắc. Ông Phạm Văn Khoa ngay từ khi đó đã mơ mộng “rồi ta có xtuy-đi-ô, nào đường ray quay tra-ven-linh, còn đèn pha lóa sáng cả núi rừng...”.
Và mặc dù đang còn phải lo gây dựng cơ quan với tranh, tre, nứa, lá, ông đã nghĩ tới việc làm phim truyện, nên cho khênh ở đâu về chiếc piano cũ kỹ, để chuẩn bị âm nhạc cho các bộ phim tương lai. Thế là, phim chưa biết bao giờ mới làm, nhưng tiếng đàn đã được cất lên trong rừng khuya, nghe thánh thót, sang trọng…