Những người trẻ đưa văn hóa Việt ra nước ngoài
Hoạt động của BETOAJI. |
Những lớp dạy nấu món Việt ở Nhật Bản
BETOAJI là nhóm bạn trẻ Việt Nam học tập và sinh sống ở xứ sở hoa anh đào. Cơ duyên đưa họ đến với nhau là bởi mong muốn tạo ra một nguồn tài chính tuy nhỏ nhưng bền vững cho hoạt động từ thiện nơi đất khách quê người. Họ đã cùng nhau tổ chức các lớp dạy món ăn truyền thống Việt Nam trên đất nước Nhật Bản.
Người nghĩ ra ý tưởng dạy nấu món ăn Việt là chị Nguyễn Thu Hồng, sáng lập viên của nhóm. Theo chị Hồng, số lượng người Việt Nam sang học tập và làm việc ở Nhật Bản lên đến hàng chục nghìn người. Số người lập gia đình với người Nhật Bản cũng rất đông. Vì thế, giao thoa văn hóa Việt – Nhật là rất lớn. Rất nhiều người trong số họ muốn được học những món ăn truyền thống của Việt Nam.
“Người Nhật cực kỳ thích học nấu món Việt. Họ cảm thấy rất vui vẻ khi thưởng thức món Việt mà mình tự làm. Họ cũng cảm thấy rất là vui sướng khi vừa được học món Việt, làm món Việt mà lại có cơ hội giúp đỡ những trẻ em nghèo tại Việt Nam”, chị Hồng tâm sự.
Nhóm đặc biệt nhất từng tham gia lớp học của BETOAJI là những cụ khá lớn tuổi. Họ tới lớp nấu ăn, cùng BETOAJI đỡ đầu cho các trẻ em nghèo Việt Nam kể từ khi nhóm thành lập năm 2012 tới nay. Nhiều người cũng vui mừng và khoe là đã tự nấu món Việt tại nhà cho gia đình. Các món ăn trong lớp học rất gần gũi, như giò chả, bánh chưng, bánh tét, xôi chè, nộm…
Sau nhiều lớp học nấu ăn mà nhóm tổ chức, chị Hồng cho biết, người Nhật ấn tượng với ẩm thực Việt Nam vì người Việt rất hay ăn rau, đó là thói quen tốt cho sức khỏe.
Việc tổ chức các lớp nấu ăn ở Nhật Bản khá thuận tiện, bởi người Nhật rất coi trọng các hoạt động xã hội có nhiều ý nghĩa như BETOAJI đã làm. Thậm chí, hoạt động thiện nguyện của BETOAJI còn được đài truyền hình địa phương phỏng vấn và làm phóng sự.
Sau hơn 2 năm hoạt động, BETOAJI đã tổ chức được nhiều đợt quyên góp và các hoạt động từ thiện ý nghĩa khác để giúp đỡ cho trẻ em miền núi như tạo quỹ học bổng, quỹ sức khỏe, tặng quà cho các học sinh nghèo tại các trường tiểu học khắp cả nước…
Nhằm tăng tiền quỹ cho hoạt động của mình, ngoài việc dạy nấu ăn, nhóm BETOAJI cũng đa dạng hóa phương thức tìm kinh phí: Tổ chức các sự kiện văn hóa, bán vé máy bay lấy lợi nhuận để duy trì quỹ, bán bánh tét đầu năm (năm ngoái 600 đòn bánh tét đổi 1000 đôi dép cho học sinh, năm nay sẽ gói bánh tét đổi 1000 áo mưa)…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở Đức
Hội Sinh viên Việt Nam trường Studienkolleg Hamburg tặng quà các thầy cô giáo ở Đức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Thế giới có ngày quốc tế Hiến chương Nhà giáo. Ở Việt Nam, ngày này cũng được vinh danh trang trọng và trở thành một ngày lễ đáng nhớ của các thầy cô. Các học sinh, sinh viên Việt Nam khi đi du học nước ngoài luôn giữ trọn vẹn tình cảm dành cho các thầy cô giáo ngoại quốc của mình.
Đến ngày 20/11 hàng năm, rất nhiều hội học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài như Anh, Nga và Đức đều tổ chức tới thăm hỏi và cảm ơn giáo viên bản xứ, những người đã tận tâm với các học trò người Việt.
Không ồn ào và nhiều hình thức, không có những buổi vinh danh trang trọng, các hội học sinh, sinh viên chỉ tới thăm người thầy của mình với những bó hoa, hay món quà đậm chất Việt Nam như lời tri ân tới các thầy cô giáo.
Tại Đại học Studienkolleg Hamburg, Đức, vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, đại diện của Hội học sinh, sinh viên ở Hamburg đã đến tặng quà thầy cô của trường để cảm ơn họ về sự giúp đỡ và ủng hộ cho các thế hệ sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua.
Quà tặng của họ là một bức tranh Đông Hồ - một tác phẩm đại diện cho văn hóa của Việt Nam. Món quà được các cựu sinh viên ở quê nhà gửi sang, đầy ý nghĩa và có giá trị lưu niệm cao.
Các giáo viên người nước ngoài tỏ ra rất bất ngờ, bởi tại đất nước của họ, dẫu các học sinh, sinh viên luôn tỏ lòng thành kính với thầy, nhưng không có một ngày lễ riêng để được vinh danh như ở Việt Nam. Tinh thần tôn sư trọng đạo rất đáng quý, và các giáo viên người nước ngoài mong đất nước Việt Nam luôn gìn giữ được nét đẹp này trong tương lai.