Những người thầy 'kiểu mới': Cô hiệu trưởng 'cute'
Cô Trần Thúy An và học sinh Phạm Gia Huy trong chương trình Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng - Ảnh: T.N. |
"Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng"
"Mặc dù sự kiện trôi qua đã gần ba tháng nhưng bây giờ nhắc lại em vẫn thấy lòng mình lâng lâng. Em nhớ hôm ấy khi đang ở trong lớp thì các bạn xôn xao: "Cô hiệu trưởng kiếm bạn kìa".
Những lời cô nói càng làm em ngạc nhiên, rồi từ ngạc nhiên chuyển sang vui sướng: "Cô rất ấn tượng với bài phát biểu của con trong buổi lễ khai giảng vì đó là bài phát biểu không cần soạn ra giấy. Cô muốn mời con ăn sáng và trò chuyện bằng tiếng Anh. Con có muốn mời ba mẹ đi cùng không?" - Trần Thụy Nhật Khanh, học sinh lớp 9/10, kể với chúng tôi khi em là học sinh đầu tiên của trường được cô hiệu trưởng mời ăn sáng.
Chương trình "Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng" diễn ra vào sáng thứ ba mỗi tuần ở căngtin Trường THCS Minh Đức từ đầu tháng 9 đến nay. "Mục đích của chương trình là tạo động lực học tập cho học sinh. Mặt khác, tôi cũng muốn tiếp xúc với các em nhiều hơn để nghe tâm tư và mong muốn của các em.
"Mỗi học sinh có một giá trị riêng và năng lực riêng, các em có năng lực nào thì giáo viên phát triển các em theo hướng đó. Không phải cứ giỏi văn, giỏi toán mới là học sinh giỏi, học sinh giỏi các môn nghệ thuật, thể thao cũng rất đáng tự hào và xứng đáng được khen thưởng, tôn vinh". Cô Trần Thúy An |
Những học sinh tiêu biểu về học tập, hoạt động thể thao, âm nhạc... của trường sẽ lần lượt được mời ăn sáng cùng với ba mẹ của em. Và để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi và học sinh sẽ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh, các em sẽ làm phiên dịch cho ba mẹ nếu cần" - cô Trần Thúy An chia sẻ.
Theo cô An: "Học sinh bây giờ rất tự tin và nghe nói tiếng Anh khá tốt. Các em vừa ăn sáng vừa thoải mái chia sẻ với tôi về những vấn đề "nhạy cảm" của tuổi teen như làm thế nào để kiểm soát tình bạn khác giới, hướng đi của bản thân trong tương lai, những trở ngại về ngôn ngữ khi học với giáo viên người nước ngoài, mong muốn về bộ đồng phục... Có em còn kể về một bạn học sinh trong lớp đang bệnh nặng và đề nghị nhà trường quyên góp để giúp đỡ bạn ấy".
"Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng" đã được xem như một phần thưởng đặc biệt đối với học sinh Trường Minh Đức. "Tụi em mong đến buổi chào cờ đầu tuần, mong đến giây phút cô hiệu trưởng công bố tên học sinh được ăn sáng cùng cô và trao cho học sinh ấy thư mời trước sự chứng kiến của các bạn trong trường.
Mới đây, em đã vinh dự được nhận phần thưởng ấy khi đạt điểm trung bình cao nhất khối, cảm giác lúc đó thật hãnh diện. Thậm chí lúc về nhà kể cho mẹ nghe, mẹ em còn không tin đó là sự thật nữa" - Phạm Gia Huy, học sinh lớp 8/9, tâm sự.
Gia Huy cho biết đó là bữa ăn sáng ngon nhất của em từ trước đến nay: "Cũng là ăn ở căngtin nhưng bàn ăn có khăn trải bàn, một lọ hoa nhỏ nhìn rất đẹp. Cô hiệu trưởng rất hòa đồng, cô nói tiếng Anh cũng rất dễ nghe nên việc trao đổi diễn ra suôn sẻ.
Từ hồi lớp 1 đến giờ em đã nhận nhiều phần thưởng nhưng em thích nhất là phần thưởng được ăn sáng cùng cô hiệu trưởng. Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp trong đời học sinh của em".
Đổi mới để cô trò cùng hạnh phúc
Ở TP.HCM, cô Trần Thúy An được nhiều người trong ngành biết đến với hình ảnh một hiệu trưởng năng động, tích cực đổi mới và đổi mới không ngừng trong quá trình giáo dục học sinh. Nhiều năm làm hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, cô được các học sinh ở đây đặt cho biệt danh "cô hiệu trưởng cute" với những dấu ấn mà các em khó có thể quên.
Đó không chỉ là những tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp đầy thú vị và bổ ích, mà còn là các tiết học vật lý tại công trình xây dựng metro ở TP.HCM, là những tiết học văn và tiếng Anh ở công viên và nhà thờ Đức Bà, là những tiết học giáo dục công dân ở UBND quận và UBND phường...
Tháng 8-2018, cô An chuyển công tác từ Trường THCS Trần Văn Ơn sang Trường THCS Minh Đức. "Từ hồi cô về, trường chúng em đổi mới nhiều lắm: Phòng không gian sáng chế ra đời và trở thành nơi yêu thích của tất cả các bạn trong lớp vì tụi em được thỏa sức sáng tạo để làm ra sản phẩm của mình từ những vật liệu có sẵn" - một học sinh lớp 9 bày tỏ.
Không những thế, học sinh Phạm Gia Huy còn "bật mí": "Cô An đã cho làm khu vườn trường với nhiều loại cây, rau, củ nhìn rất thích. Cứ giờ ra chơi là em và các bạn ra khu vườn trường để ngắm cây và bàn tán. Em nghe nói nhiều lớp đã được học môn sinh ở đây rồi, em cũng đang chờ mong đến ngày lớp mình được học ở vườn trường".
Theo cô An, xã hội đang thay đổi không ngừng thì nhà giáo cũng phải thay đổi chứ không thể giậm chân tại chỗ. Dĩ nhiên các em học sinh không thích học thuộc lòng, không thích bị học tập một cách áp đặt, các em muốn được gợi mở để sáng tạo, muốn học hành một cách thoải mái và trình bày quan điểm riêng. Khi nhà trường đổi mới và đổi mới đúng cách thì học sinh sẽ hào hứng hơn - thầy cô giáo cũng hạnh phúc hơn.
Hãy chào học sinh trước Cô Trần Thúy An chia sẻ thời mới làm hiệu trưởng cô cũng có sai lầm là cố rèn cho học sinh vào "nếp" như mình muốn và bị nhận xét là "cô hiệu trưởng lạnh lùng". "Khi nghe học sinh phản hồi, tôi thấy mình cần thay đổi, tôi đã cười nhiều hơn, thân thiện hơn với học sinh, lắng nghe các em nhiều hơn. Nhiều thầy cô cứ thắc mắc là sao học sinh gặp mình mà không chịu chào. Tôi thì quan niệm: để học sinh chào mình thì mình hãy chào các em trước" - cô An nói. |