Những người “nặng lòng” với biển, đảo quê hương (Phần 5)
Ý thức chủ quyền dân tộc trỗi dậy trong ông đúng vào ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Và từ đó, mạch nguồn ấy cứ chảy mãi cho đến tận bây giờ. Cũng ngần ấy năm, ông đã tham gia nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, sưu tầm nhiều minh chứng khẳng định "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".
TS Nguyễn Nhã: “Già nửa cuộc đời, đòi chân lý cho Biển Đông”
Không có điều kiện để được gặp trực tiếp ông, chúng tôi chỉ còn cách liên lạc với ông bằng điện thoại. Ở đầu bên kia là TS Nguyễn Nhã, đang sinh sống và làm việc ở Tp.Hồ Chí Minh. Với giọng Bắc vẫn còn nguyên vẹn, ông nói chuyện ôn tồn, cởi mở. Câu chuyện của chúng tôi càng cởi mở hơn khi nói về Biển Đông.
TS Nguyễn Nhã |
TS Nguyễn Nhã đến với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là khi Biển Đông nổi sóng dữ dội. Ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, cũng là ngày ông bắt đầu dấn thân nghiên cứu về Biển Đông. Ông tâm sự: Ngày ấy vào Tết năm 1974, khi đó ông còn làm giáo sư đào tạo tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, chủ biên Tập San Sử Địa, nghe đài phát thanh thông báo về việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, trong ông trào lên những cảm xúc mãnh liệt. Ông nghĩ, mình phải làm một cái gì đó để chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nói là làm, ông bắt tay vào liên lạc với các học giả Việt Nam trong nước và nước ngoài. Bằng nhiệt huyết của con dân đất Việt và tình yêu quê hương, những chuyên gia đã cùng ông gấp rút làm việc. Trong những chuyên gia ấy có Hoàng Xuân Hãn ở Pháp, Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham ở Nhật, Ông Quốc Tuấn ở Ấn Độ...
TS Nhã kể: “Đợi đến một năm sau, đúng ngày kỉ niệm Hoàng Sa bị chiếm, chúng tôi tổ chức triển lãm sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam và ra mắt Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa. Tham gia Lễ khánh thành triển lãm có 5 vị bô lão Miền Nam. Các nghệ sĩ yêu nước gọi các vị bô lão ấy là quốc lão (nhân vật có địa vị thọ trên 80 tuổi) gồm các bô lão như Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, Cụ cử nhân Tả Chương Phùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nhất Thanh, cụ Trần Văn Quế giảng sư Đại học Văn khoa. Các cụ đều mặc áo dài, khăn quấn chỉnh tề nghiêm trang đứng trước tấm bản đồ thế kỷ 19 ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.”
Buổi lễ trịnh trọng, đầy xúc động, nhiều người đã không giấu được những giọt nước mắt đau đớn khi nghĩ đến Hoàng Sa bị sa vào tay nước ngoài. Lúc đó, báo chí miền Nam đưa tin: “Triển lãm sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Các vị quốc lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền, nhiều người ôm nhau khóc ròng”
Sau này, ông được biết, tại Hải Nam (TQ) vào thời điểm đó đã tổ chức ăn mừng chiến thắng và có mời đại diện Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam (miền Bắc Việt Nam) đang có mặt ở đây, nhưng đoàn Việt Nam đã không đến vì “không muốn phải vỗ tay”. Ông khẳng định: “Dù ở nơi đâu, dù đang làm gì, là người Việt Nam thì đều như thế cả, không thể không đau nỗi đau dân tộc, không thể làm ngơ trước chủ quyền đất nước”
Và nó thật đúng với ông, kể từ ngày đau nỗi đau mất Hoàng Sa, TS Nguyễn Nhã đã bỏ nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu chủ quyền Biển Đông hơn. Sau năm 1975, từ cuốn đặc khảo này, các đoàn nghiên cứu Biên giới Miền Bắc vào liên lạc với ông và cùng phối hợp với ông .
Năm 2003, ông trình đề tài nghiên cứu tiến sĩ lên cấp quốc gia với chủ đề về “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa.” Sau đó, ông đã tham gia viết nhiều tác phẩm, dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế. Trong đó có 4 hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam và hội thảo tại Đại Học Temple , Philadelphia năm 2010, hội thảo tại Đại học Harvard năm 2012…
TS Nguyễn Nhã người đã có mặt ở rất nhiều Hội thảo trong nước và quốc tế khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam |
Ông còn tập hợp tài liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa dịch ra Tiếng Anh hơn 500 trang gồm 3 phần: Phần I Trích nguyên văn Tài liệu của Quân đội Mỹ năm 1960 về chủ quyền của Việt Nam bị tranh chấp và 37 tài liệu của Phương Tây từ thế kỷ 19 trước nói về chủ quyền của Việt Nam tại Paracel (quần đảo Hoàng Sa); phần II gồm 3 bài tham luận chọn lọc trong các hội thảo về Biển Đông trong và ngoài nước. Phần III gồm toàn văn Luận án Tiến sĩ sử học “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa” và các phụ lục được cập nhật hóa các tư liệu mới phát hiện. Ông đã đưa tập hộ hồ sơ tài liệu này đến Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, văn phòng Thượng Nghị sĩ J. Mc Cain, Jim Web và sẽ đưa tới thư viện các trường đại học trên thế giới nếu hoàn chỉnh xong văn phong dịch sang tiếng Anh.
Đến nay dù đã hơn 70 tuổi, TS Nguyễn Nhã vẫn cố gắng không mệt mỏi cho việc nghiên cứu chủ quyền và gìn giữ bản sắc dân tộc qua những công trình biên khảo, chỉnh lý, tập hợp những tư liệu chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và gần đây ông nghiên cứu về văn hóa Việt trong tín ngưỡng thờ quốc tổ Hùng Vương với tác phẩm “ Giáo dục gia đình và văn hoá quốc đạo”, thờ quốc tổ, anh hùng dân tộc, tổ tiên...
Được tiếp xúc với những con người “luôn nặng lòng” với Biển, Đảo quê hương, những người làm báo như chúng tôi luôn nhận thấy tình yêu nước nồng nàn trong tim họ. Đó là động lực, là mong mỏi, là cơ duyên để mỗi chuyên gia ấy hoàn thành tốt nhất công việc của mình và làm nên những kỳ tích trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo quê hương.