Những ngôi trường xơ xác giữa lòng thành phố

Khi vào Trường THCS Lam Sơn tham quan cơ sở vật chất, phụ huynh phán rằng: trường lớp của thành phố mà thua cả… xứ núi.
Những ngôi trường xơ xác giữa lòng thành phố - ảnh 1

Bàn ghế tại trường THCS Lam Sơn (TP.HCM)

Một phụ huynh ở Q.6, TP.HCM kể, ông có một người bạn thân ở huyện sâu của tỉnh Đăk Lăk có ý định gửi con về thành phố để được học hành tử tế. Nhưng khi vào Trường THCS Lam Sơn tham quan cơ sở vật chất, thì người bạn phán rằng: trường lớp của thành phố mà thua cả… xứ núi.

Thua trường xứ núi

Trường THCS Lam Sơn là trường “điểm” tại Q.6. Nhiều phụ huynh ở Q.Bình Tân, H.Bình Chánh cũng “chạy” cho con về học trường này. Cũng vì thế, khi nghe trường bị xem là “thua xứ núi”, chúng tôi đã đến trường để mục sở thị. Thật cám cảnh. 

Tường các phòng học sơn bị bong tróc lỗ chỗ. Nền gạch của các lớp học tầng trệt cũng bị thấm nước, đổi màu. Bục giảng sứt sẹo. Những tấm giẻ lau dính đầy bụi bẩn treo trên bảng đen.

Thê thảm hơn cả là một tỷ lệ lớn những bộ bàn ghế học sinh (HS) đã “sút cẳng, gãy gọng” trơ ra những thanh sắt gây nguy hiểm. Tại một lớp học, mặt bàn của giáo viên nham nhở như bị chuột gặm. 

Từ hành lang các dãy lầu nhìn ra, rác vương vãi đầy các mái tôn. Dọc hành lang lầu một, những chiếc tủ gỗ cong vênh tuềnh toàng với mùng, màn, chiếu, gối. Tại phòng bảo vệ ngay cổng trường, nền gạch bị sụt lún sâu như cái hố, trời mưa lớn nước từ trên dội xuống, nước từ dưới dâng lên như cái ao. 

Những ngôi trường xơ xác giữa lòng thành phố - ảnh 2

Bàn ghế học sinh ở trường THCS Lam Sơn, Q.6, TP.HCM

Nhìn toàn cảnh, chúng tôi liên tưởng đến những ngôi trường ở các vùng kinh tế mới, vùng sâu, vùng xa của một thời đã xa.

Tại cơ sở 2 của Trường tiểu học (TH) Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh), sau buổi lễ 20/11, HS được thoải mái vui chơi nên sân trường chật cứng. Cơ sở giáo dục này có bảy phòng học, phòng làm việc và phòng bảo vệ nằm trên diện tích khoảng 800m2. 

Từ năm 2013 về trước, nó là cơ sở chính của trường với 14 lớp học một buổi tại đây. Từ hai năm nay, trường tiếp nhận một ngôi trường THCS gần đó nên nơi này trở thành cơ sở 2, nhưng vẫn còn 10 lớp với 400 HS theo học. 

Vài năm trước, mỗi lần mưa lớn, trường như chìm trong nước. Có lần, nước dâng cao khiến tủ kệ đựng hồ sơ HS bị ngập. Sau đợt ấy, trường được quận cấp kinh phí để nâng nền, nhưng vẫn phải dùng máy bơm chống ngập cho đến nay.

Tương tự, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (P.Tân Thới Nhất, Q.12), cũng là những dãy lớp học mái tôn ố vàng, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư chật chội. Thầy Nguyễn Văn Châu - Hiệu trưởng trường cho biết trường có 21 phòng học cho 32 lớp học, gần 1.500 HS, được xây dựng với tiêu chuẩn thấp từ trước năm 1975.

Theo thời gian, trường nhiều lần nâng sân, nâng nền nên càng thấp. Vì không an toàn cho HS nên năm ngoái, lãnh đạo quận đã quyết định đóng cửa một dãy ba phòng học. Nhưng ngoài ba lớp học nói trên, trường vẫn còn một dãy ba phòng học cũng rất thiếu ánh sáng. 

Nói về sự cũ kỹ của ngôi trường, thầy Đoàn Đình Khải - nguyên Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, nói: “Nếu đoàn phim nào cần quay cảnh trường học thời bao cấp thì không phải đi đâu xa mà cứ đến trường này”.

TP.HCM có không ít những ngôi trường như thế. Nằm ngay Q.8, Trường THCS Khánh Bình vẫn còn sử dụng kiểu bàn học dãy dài, ghế dính liền với bàn. Trần nhà trong lớp học, nhà vệ sinh bong tróc cả mảng; tường và bục giảng cũng loang lổ nhiều nơi. 

Thậm chí, có lớp dây điện giăng mắc ngay dưới tấm bảng vừa gây nguy hiểm cho HS vừa mất thẩm mỹ. Những cánh cửa gỗ, cửa sổ cũng rơi rớt dần các thanh chắn. Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt (Q. 5) cao sáu tầng nhưng không có sân bãi, nên tầng trệt tận dụng làm bãi để xe.

Trường như chiếc hộp, cầu thang đi lên ngoằn ngoèo và nhỏ hẹp, HS muốn đi hai chiều phải xếp thành hai hàng mới có thể đi lọt. Các lớp học có diện tích rất hạn chế, có lớp chưa đến 20m2. 

Lớp học không đón được ánh sáng trời nên nhiều nơi ẩm thấp, phải thắp điện suốt cả ngày. Ra chơi, HS chen chúc ở các dãy hành lang cũ kỹ. Trường được xây dựng từ vài chục năm trước nên xuống cấp rất nặng…

Học sinh chịu thiệt

Những ngôi trường xơ xác giữa lòng thành phố - ảnh 3

Trường tiểu học Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh)

Với những điều kiện như vừa nêu, thật khó mà đảm bảo được yêu cầu dạy và học. Khi chúng tôi hỏi đến những chiếc bảng tương tác, thầy Nguyễn Văn Châu nói: “Trường nào cũng được cấp ba-bốn bảng, nhưng trường này thì chưa. Nhưng nếu được cấp cũng không biết bố trí chỗ nào. Trường không có phòng bộ môn, hội trường”.

Ngay cả phòng hiệu trưởng cũng không có (hiệu trưởng ngồi chung với văn phòng) nên thầy Châu tiếp chúng tôi ở phòng giáo viên rộng khoảng 10m2 nằm chung lối đi vào thư viện. 

“Năm rồi trường mới cải tạo một phòng học 30m2 thành thư viện, nhưng sau đó phải “ngắt” ra 10m2 làm phòng giáo viên” - thầy Châu cho biết. Trường Nguyễn Thị Minh Khai có 10 lớp bán trú, các lớp đều học, ăn và ngủ tại lớp.

Về điều kiện dạy và học tại trường TH Bình Lợi Trung, ông Lê Văn Tư - Hiệu trưởng trường khẳng định là đáp ứng được yêu cầu. 

Nhưng một phụ huynh là người địa phương lại có cái nhìn khác: “Trường nằm cạnh đường lớn, ồn ào, bụi bặm; mái tôn thấp lè tè; sân trường thì bé tẹo, lại thấp hơn mặt đường gần 1m, cứ mưa là phải bơm nước ra…; điều kiện như thế thì chỉ đáp ứng được việc... nuôi cá”.

Các bậc phụ huynh Trường THCS Lam Sơn cũng không thể hình dung được nơi con mình ngủ trưa là những căn phòng được cơi nới sau các dãy phòng học như những chiếc chuồng gà công nghiệp với những chiếc giường tầng được kê san sát. 

Cứ năm HS được nằm ba chiếc giường. Tính ra, mỗi HS có chưa đầy 0,5m bề ngang. Chật chội, khuất gió và nóng bức khi trời nắng, lụt lội khi trời mưa, khiến HS chỉ… nằm chịu đựng. Số khác, được trải chiếu nằm ngoài hành lang cũng khó mà vào được giấc ngủ vì nắng chói hoặc mưa tạt.

N.H. - một HS lớp 7 của trường kể: "Tụi con nằm ngoài hành lang, chật chội, nóng nực và chói nắng khó ngủ lắm. Trời mưa, bị nước mưa tạt, thì tụi con được di tản vào lớp". 

Một HS khác kể: “Tụi con nghỉ trưa ở mấy cái “chuồng” phía sau, chật quá nên con phải nằm nghiêng”. Một phụ huynh của trường than: “Về lâu dài mà cứ như thế thì lo lắng lắm. Lỡ cho con vào học rồi, bây giờ xin đi trường khác cũng khó khăn”.

MINH NHẬT - TIÊU HÀ/Nguồn PNO

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !