Những ngôi trường đặc biệt
Fuji là một trong những ngôi trường mầm non kiểu mẫu có chất lượng giáo dục tốt nhất tại Nhật Bản. Ngôi trường được xây dựng vào năm 2007 ở vùng ngoại ô Tokyo, theo lối tư duy hiện đại của kiến trúc sư Takaharu Tezuka. Với kiến trúc hoàn toàn khác biệt, trường Fuji có thiết kế hình bầu dục, hai tầng, không có phòng học, bức tường mà là một không gian mở, cây xanh bao phủ với các song sắt, tấm lưới để bảo vệ an toàn cho các em. Ở đó, các em tha hồ vui chơi, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà trường. Các em không sợ bị lạc vì không gian vòng tròn của ngôi trường. Mỗi ngày, trung bình một học sinh vui chơi quanh trường tương đương với đi bộ khoảng 4km. Hiệu trưởng trường Fuji cho rằng, ngôi trường giúp các em có thể tự do khám phá mọi thứ, thể hiện tình thần đoàn kết trong sinh hoạt với không gian mở.
Một lớp học giữa thiên nhiên ở châu Âu. (Ảnh: Internet) |
Mô hình trường học giữa thiên nhiên hiện được áp dụng rộng rãi tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt dành cho các em độ tuổi mẫu giáo. Lớp học là không gian thực tế nhất giúp các em khám phá thế giới tự nhiên muôn màu, trau dồi kỹ năng sống ngoài trời, kỹ năng giao tiếp và tính độc lập, tự giải quyết vấn đề cho các em ngay từ nhỏ, vốn hiếu động. Ngoài ra, lớp học giữa thiên nhiên sẽ là minh chứng sinh động nhất để các em học được lợi ích về bảo vệ môi trường. Được đánh giá là một trong những quốc gia có nền tảng giáo dục phát triển, hiện Đan Mạch có tới 500 trường mẫu giáo, mầm non hoạt động theo mô hình lớp học rất hiệu quả này. Hòa mình giữa thiên nhiên giúp các em trầm tĩnh và thoải mái hơn, kích thích sự sáng tạo của trẻ nhưng cũng giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống bình yên.
Các lớp học trên thuyền ở Bangladesh nhằm mang con chữ đến với các em học sinh ở những vùng quanh năm bị lũ lụt. Như vào năm 2007, có đến 1,7 triệu học sinh Bangladesh không thể đi học. Vào năm 2002, Tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha do kiến trúc sư Mohamed Rezwan, sinh trưởng ở vùng Natore sáng lập từ hơn 100 chiếc thuyền để làm thành 22 lớp học nổi, hiện có hơn 1.800 học sinh. Đáng chú ý, khi nguồn ánh sáng phục vụ dạy học, trong thư viện hay máy tính được nối mạng trên thuyền là từ năng lượng mặt trời. Mỗi ngày các em đến lớp khoảng 2 - 3 tiếng, 6 ngày một tuần và hoàn toàn miễn học phí. Từ ngày thành lập đến nay, các lớp học đặc biệt này đã giúp 70.000 em được phổ cập giáo dục các cấp.
Trường học trên sân ga ra đời vào năm 1985 theo ý tưởng của cô giáo Iderjit Khurana ở bang Orissa, mang lại hy vọng cho rất nhiều trẻ em nghèo tại Ấn Độ. Lớp học tọa lạc ngay tại các khu ổ chuột gần ga. Trong một lần chờ tàu, Iderjit Khurana thấy có quá nhiều trẻ em đi xin tiền, bán hàng rong trong khi giờ này lẽ ra các em phải được học tập ở trường. Thực tế cho thấy nhiều trẻ em nghèo ở các khu vực sân ga nói riêng thường rơi vào bẫy tội phạm như ma túy, mại dâm… Không những dạy chữ miễn phí cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những lớp học của Iderjit Khurana còn dạy các em về nhiều kỹ năng sống. Thế nhưng, để giúp các em liên tục đến lớp, Trung tâm dịch vụ xã hội trường Ruchika của cô Iderjit Khurana còn cung cấp thực phẩm và thuốc men miễn phí cho các em học sinh. Được biết, hiện các lớp học có khoảng 4.000 em.
Theo NAM VIỆT/Báo Quảng Nam