Những ngành học nào của ĐH Bách khoa, Giao thông phù hợp với nữ?
Lâu nay, ĐH Bách khoa Hà Nội được biết đến là trường đào tạo về khối ngành công nghệ, khoa học và kỹ thuật. Vậy ngành nào thì phù hợp với nữ?
Nhiều người cho rằng những nữ sinh chân yếu tay mềm không nên đăng ký vào khối ngành về công nghệ hay kỹ thuật vì đây là nhóm ngành khá khô khan.
Chưa kể đến lúc ra trường đi làm trong môi trường khắc nghiệt sẽ làm khó cho các bạn nữ. Thế nhưng, nhiều thí sinh nữ năm nay lại có ý định đăng ký nguyện vọng tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ảnh minh họa. |
Vậy tại ĐH Bách khoa Hà Nội ngành nào phù hợp với nữ?
PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội choa hay: “Hiện nay tại ĐH Bách khoa Hà Nội không có ngành học nào chỉ phù hợp với nam hoặc nữ. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là khi đã học thì cần học tốt, cần đam mê và cống hiến hết mình với những gì mình đã chọn.
Thực tế tại ĐH Bách khoa Hà Nội có rất nhiều cựu nữ sinh đã theo học những ngành được cho là "nặng" như điện, cơ khí và thực tế nhữg cựu sinh viên này hiện nay rất thành đạt.
Điều đó nói lên rằng khi bạn đam mê, hãy mạnh dạn đăng ký vì trường ĐH Bách khoa Hà Nội không có phương thức tuyển sinh dành riêng cho nữ”.
Là nữ có nên đăng ký nguyện vọng vào ĐH Giao thông Vận tải?
Nhiều người cho rằng các ngành học tại trường Giao thông Vận tải sau khi ra trường thường xuyên phải làm việc ở xa, không ổn định và không phù hợp với nữ khi trường này có nhiều ngành thiên về xây dựng, cầu cống?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện nay nay số lượng sinh viên nữ của trường khoảng từ 25-30% tùy từng khóa.
“Các sinh viên nữ của trường vẫn đang học các ngành như xây dựng công trình giao thông, cơ khí... Đó là do sự yêu thích ngành nghề của từng người.
Ngoài ra trường còn một số ngành thuộc khoa Vận tải Kinh tế, các ngành về Công nghệ thông tin, Điện tử… nên nếu yêu thích thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn chứ không có ngành chỉ phù hợp với nam hoặc chỉ phù hợp với nữ.
Ngoài ra, tại ĐH Giao thông Vận tải, nhóm ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Cầu đường bộ, Cầu hầm-đường hầm-metro… cơ hội việc làm khá cao.
“Đây là các ngành truyền thống của trường, trong thời gian này, khi các công trình được ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình giao thông thì cơ hội việc làm sẽ được tăng lên, nhu cầu về kỹ sư xây dựng công trình giao thông, kỹ sư xây dựng sẽ tăng lên.
Hiện nay cơ hội có việc làm đúng ngành nghề khoảng 70-80%. Dự đoán trong những năm tới, cơ hội việc làm đối với nhóm ngành này sẽ còn tăng cao”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho hay.
Hoàng Thanh