Những ngành học mới tuyển sinh năm 2015
Bộ GD-ĐT vừa giao cho Trường ĐH Sài Gòn đào tạo hệ chính quy trình độ ĐH ngành quốc tế học (mã ngành 52220212). Theo đó từ năm học 2015 - 2016, Trường ĐH Sài Gòn sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên ngành đào tạo quốc tế học.
Quốc tế học: Rộng cơ hội
Quốc tế học (International Studies) là một ngành thuộc khoa học nhân văn. Đào tạo quốc tế học ở trình ĐH học bao gồm các học phần “cung cấp những kỹ năng và hiểu biết mang tính hiện đại và lịch sử về xã hội toàn cầu, các nền văn hóa, ngôn ngữ, các hệ thống chính phủ cũng như các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa lớn và những mối liên hệ mang tính định hướng toàn cầu” (theo định nghĩa của Hiệp hội Quốc tế học thế giới).
Mục tiêu chung của ngành học này là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quốc tế. Mục tiêu đào tạo cụ thể là trang bị cho sinh viên kiến thức đại cương về các ngành khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức chuyên sâu về ngành quốc tế học như: Văn hoá, xã hội, chính trị, nghệ thuật, lịch sử của các quốc gia hàng đầu trên thế giới và khu vực; các mối quan hệ, chính sách đối ngoại và sự tương tác chính trị, xã hội và văn hóa trong hệ thống quốc tế; tầm quan trọng của các nền văn hóa; sự toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới; cùng các kĩ năng như nghiệp vụ đối ngoại, quản trị kinh doanh…
Điểm đặc biệt của ngành quốc tế học tại Trường ĐH Sài Gòn là ngoài khối kiến thức giáo dục đại cương, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, sinh viên sẽ được học chuyên ngành thứ hai, bao gồm ba hướng ngành: Quan hệ quốc tế, châu Âu học, châu Mỹ học (sinh viên được lựa chọn học một trong ba hướng tuỳ theo khả năng, sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp).
Đồng thời, người học còn được đào tạo các ngành chuyên sâu như: Quan hệ công chúng, báo chí và truyền thông đa phương tiện quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế xã hội.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm rất đa dạng, có thể đảm nhiệm những vị trí sau đây: Nhân viên quan hệ cộng đồng- tức quan hệ công chúng (PR) cho các công ty, nhân viên phân tích kinh doanh và thương mại quốc tế, quản trị viên của các chương trình quốc tế, nhân viên tư vấn truyền thông đa văn hóa, iều phối viên/ tư vấn viên trong các doanh nghiệp liên doanh hoặc tổ chức phi chính phủ…, nghiên cứu và giảng dạy ở các trường ĐH và viện nghiên cứu, phụ trách công tác đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao ở Trung ương và địa phương;
Các Vụ hợp tác quốc tế thuộc các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể; các cơ quan an ninh, quốc phòng; các cơ quan truyền thông, báo chí; làm việc trong các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các loại hình doanh nghiệp khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp liên doanh.
Tâm lý học: Nhiều nơi cần
Ngày 5-12-2014, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định về việc giao cho Trường ĐH Sài Gòn đào tạo chính quy trình độ ĐH. Vị trí việc làm của cử nhân tâm lý học bao gồm: Chuyên viên tham vấn tâm lý (trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lí, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, CĐ, ĐH …); nhân viên bộ phận nhân sự, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu thị trường… trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp các lĩnh vực xã hội khác nhau; cán bộ chuyên môn tâm lý trong các cơ sở y khoa, trung tâm dưỡng lão, trung tâm cai nghiện, cơ sở giáo dục đặc biệt, các trường giáo dưỡng;
Cán bộ chuyên môn tâm lí trong các cơ sở thể dục thể thao, các trung tâm văn hóa; cán bộ nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học, cơ quan pháp luật, điều tra tâm lý tội phạm; cán bộ các dự án phát triển cộng đồng tại các cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; cán bộ giảng dạy tâm lí học tại các trường CĐ-ĐH, các trường dạy nghề.
Ngoài ra, cử nhân tâm lí học còn có khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp: khả năng tự học và nghiên cứu khoa học về ngành tâm lý học và các ngành gần như giáo dục học, quản lý giáo dục; khả năng học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ về các chuyên ngành của tâm lý học.
Luật kinh tế: Cơ hội khẳng định bản thân
Năm 2015, Trường ĐH Công nghệ TP HCM tuyển sinh ngành luật kinh tế các tổ hợp môn xét tuyển: toán-lý-hóa, toán -lý - tiếng Anh, văn -toán -tiếng Anh, văn-sử-địa theo cả hai hình thức: tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ nay đến năm 2020, ước tính chỉ riêng các chức danh tư pháp Việt Nam cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại. Con số trên còn tăng lên gấp nhiều lần khi tính đến lượng công chức làm việc tại các bộ, ban ngành và doanh nghiệp. Vì vậy,luật kinh tế đang được xếp vào nhóm các ngành “khát” nhân lực của cả nước.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong nền kinh tế - xã hội như: chuyên viên tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp; chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý tại các tổ chức dịch vụ pháp luật, văn phòng luật sư; chuyên viên lập pháp, hành pháp, tư pháp trong các cơ quan nhà nước hoặc nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế tại các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, trong thời đại đồng tiền không nằm yên trong két sắt mà luôn được tận dụng cho những cơ hội đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, những chiến lược kinh doanh táo bạo như hiện nay, các cử nhân luật kinh tế có cơ hội trở thành những chuyên gia tư vấn tài chính chuyên cung cấp cho khách hàng những quyết định đầu tư tài chính đúng đắn, sáng suốt. Tại Việt Nam, đây là một nghề nghiệp mới mẻ, giàu triển vọng với nhiều đãi ngộ đặc biệt.
Sinh viên ngành luật kinh tế không chỉ được đào tạo bài bản kiến thức về hệ thống pháp luật quốc gia, kỹ năng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà còn được chú trọng trang bị những kỹ năng mềm cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, kỹ năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn...
Đặc biệt, sinh viên thường xuyên thực hành, xử lý tình huống pháp luật thông qua phương pháp giáo dục “mô phỏng” phiên tòa giả định; tham dự và tập sự tại các phiên tòa, văn phòng luật sư; tham gia CLB Pháp luật, sự kiện “Ngày hội Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và các cuộc thi về quản lý doanh nghiệp, đầu tư tài chính để phát triển toàn diện kỹ năng chuyên môn.
Thiết kế đồ họa: Bản lĩnh và tài năng
Bộ GD-ĐT đã ra quyết định cho phép trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy ngành thiết kế đồ họa (mã ngành: D210403)
Theo đó, khoa kiến trúc – mỹ thuật của HUTECH được giao nhiệm vụ đào tạo ngành thiết kế đồ họa. Với thời gian đào tạo 4 năm, khối lượng kiến thức toàn khóa gồm 148 tín chỉ, chương trình giáo dục đại học hệ chính quy ngành thiết kế đồ họa được HUTECH soạn thảo dựa trên kinh nghiệm và thế mạnh của Trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, đồng thời tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và các chương trình đào tạo ngành Thiết kế đồ họa của các cơ sở đào tạo uy tín tại Việt Nam cũng như thế giới.
Sinh viên ngành thiết kế đồ họa không chỉ được đào tạo bài bản về chuyên môn, phát huy khả năng sáng tạo cùng những chuyên đề đặc thù về thiết kế, sáng tác mà còn được phát triển toàn diện các kỹ năng mềm: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, sinh viên được học tập trong một môi trường chuyên nghiệp với hệ thống họa thất, phòng thực hành hiện đại cùng những phần mềm thiết kế tiên tiến nhất hiện nay.
Đây chính là sự chuẩn bị có tính quyết định để các cử nhân thiết kế đồ họa tương lai không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có đủ bản lĩnh, tài năng để tự tin khẳng định bản thân trong nền kinh tế hội nhập gắn liền với sự lên ngôi của thiết kế, quảng cáo và truyền thông.
Trường tuyển sinh ngành thiết kế đồ họa theo cả hai hình thức: tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Bảo Lâm/Nguồn NLĐ