Những lưu ý đối với thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN
Chiều 28/5, PGS. TS Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông về kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với báo chí chiều 28/5. |
Vị phó giám đốc ĐHQGHN cho biết: “Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.
Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12”.
Theo ông Sơn, đề thi được tính như sau: Phần bắt buộc gồm: Tư duy định lượng và tư duy định tính. Tư duy định lượng (Kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số. Tư duy định tính (Kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.
Phần tự chọn: Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung. Kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Kiến thức Khoa học Xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung trên. Sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên.
Các sinh viên tình nguyện tiếp xúc kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển vào ĐH chính quy của ĐHQGHN. |
Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút. Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.
ĐHQGHN tổ chức 9 cụm thi với 21 điểm thi, cụ thể như sau: Ở Hà Nội, 3 cụm thi với 11 điểm thi gồm: Cụm 1 (Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, Trường ĐH Ngoại ngữ ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN); Cụm 2 (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường Cao đẳng thực hành FPT, Trường ĐH Thăng Long); Cụm 3 (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường và 3 điểm thi tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội). Ở Thái Nguyên chỉ có điểm thi duy nhất tại Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên.
Ở Nam Định có 2 điểm thi tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Ở Hải Phòng 2 điểm thi tại Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Ở Thanh Hóa, 2 điểm thi tại Trường ĐH Hồng Đức. Ở Nghệ An, 2 điểm thi tại Trường ĐH Vinh. Ở Đà Nẵng chỉ có 1 điểm thi tại trường ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng.
Tùy theo lượng thí sinh dự thi ở các cụm, số ca thi và thời gian thi được sắp xếp tối thiểu 2 ca, tối đa 8 ca. Trong quá trình thi, máy tình, phần mềm, hệ thống… bị lỗi, đơn vị tổ chức thi cho thí sinh đó thi vào buổi kế tiếp.
PV Infonet đặt câu hỏi, máy tính, phần mền… bị lỗi, thí sinh phải lưu lại để thi tiếp, vậy phần kinh phí này ai chịu? Ông Sơn bộc bạch: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa đối với thí sinh dự thi theo tính nhân văn, nhưng có lẽ trường hợp lỗi ít xảy ra, nhưng không phải không có”.
Đánh giá về kỳ thi này, ông Sơn nói: “Đây là kỳ thi đánh giá năng lực, hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính và thời gian thi của mỗi thí sinh là 195 phút. Mỗi máy tính 1 đề thi và mỗi thí sinh thi duy nhất 1 đề thi. Tuy nhiên, thí sinh dự thi ĐH Ngoại ngữ phải thi thêm môn đánh giá năng lực xét tuyển Ngoại ngữ. Thí sinh thi qua mạng và báo cáo kết quả cũng qua mạng”.