Những luận án tiến sĩ tào lao, lãng xẹt, phi khoa học
Không hề hiếm những đề tài tiến sĩ tào lao, lãng xẹt kiểu “luận án cầu lông”, khiến cả núi tiền của, công sức trôi sông, chẳng thu được chút lợi ích nào cho xã hội.
Mạng xã hội và các diễn đàn học thuật vài ngày qua như “lên đồng” khi hình ảnh trang bìa luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được chia sẻ, cùng thông tin luận án đã được nghiệm thu thành công.
Để đánh giá chất lượng một luận án, cần phải đọc kỹ nội dung chi tiết của nó, nhưng chất lượng của luận án trên thì chúng ta không cần quan tâm, bởi bản thân đề tài đã cho thấy lợi ích mà nó đem lại còn lâu mới xứng tầm một luận án tiến sĩ. Thậm chí, như một nhà khoa học nhận xét, đây không đáng gọi là đề tài nghiên cứu mà chỉ là một giải pháp cụ thể.
Một đề tài nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ phải đáp ứng các tiêu chí về tính cấp thiết của đề tài, tính mới, tính ứng dụng, phải là một vấn đề đang đặt ra với ngành khoa học đó hoặc với thực tiễn xã hội, phải có đóng góp mới và giá trị về lí thuyết hoặc thực tiễn, nghĩa là đem lại những tri thức hoặc giải pháp mới đáng giá. Tìm đâu ra những yếu tố đó trong “luận án cầu lông” trên? Vậy mà thật kỳ lạ, đề tài này vẫn được hội đồng thẩm định cho nghiệm thu qua nhiều vòng thẩm định.
Điều đáng sợ là những đề tài vô bổ như thế không thiếu trong kho dữ liệu về luận án tiến sĩ. Nhiều chuyên gia đã ngán ngẩm nêu tiêu đề luận án của nhiều nghiên cứu sinh như: “Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Đại học Sư phạm về sức khỏe sinh sản”; “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử T…”; : “Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông”; “Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi”; "Xây dựng chương trình thể thao ngoại khóa cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương tỉnh Phú Thọ"…
Vì muốn có tấm bằng tiến sĩ cho mục đích cá nhân mà người ta bôi bác nền học thuật nước nhà bằng những đề tài tào lao như vậy, và rồi bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của để thực hiện nó. Chi phí để lấy được tấm bằng tiến sĩ, từ khâu học hành nghiên cứu đến khi bảo vệ thành công, tối thiểu cũng mấy trăm triệu đồng, có thể đến tiền tỷ.
Người kiếm bằng tiến sĩ mất tiền mất công đã đành, bao nhiêu thành viên hội đồng nọ, hội đồng kia cũng phải vùi đầu vào đọc những trang luận án vô bổ ấy, phải tham gia các vòng thẩm định, bảo vệ… để rồi xã hội chẳng thu được lợi ích nào thiết thực.
Tốn kém, lãng phí chỉ là một chuyện, sự dễ dãi của các hội đồng, những người có trách nhiệm khi duyệt các đề tài này còn dần đến hệ lụy nguy hiểm cho cả nền học thuật. Những luận án bảo vệ “thành công” rồi bỏ xó, có lẽ đến cả tác giả cũng không một lần giở lại, có chăng chỉ các nghiên cứu sinh sau đó lục lọi để “tham khảo”, cóp nhặt đưa vào luận án cũng không kém lãng xẹt của họ. Những vị tiến sĩ được cấp bằng chỉ để làm đẹp hồ sơ, để nâng bậc lương, thăng chức… và khi đến lượt mình trở thành thầy dạy, họ chẳng có gì giá trị để truyền đạt cho hậu bối.
Vài cá nhân được lợi qua việc thẩm định đề tài, luận án và cấp bằng tiến sĩ giấy như thế, nhưng cái hại gây ra cho xã hội thì vô cùng.
Luận án tiến sĩ phát triển cầu lông cho công chức thành phố Sơn La gây xôn xao
Luận án tiến sĩ ngành giáo dục học với đề tài phát triển môn cầu lông cho công chức thành phố Sơn La đang gây xôn xao dư luận.
Theo vtc.vn