Những hình ảnh cuối cùng về ngôi trường THPT lâu đời nhất Đà Nẵng
Như tin đã đưa, ngày 15/4 tới đây, Đà Nẵng sẽ khởi công xây dựng lại trường THPT Phan Châu Trinh cũ (số 167 Lê Lợi), ngôi trường trung học có tuổi đời cao nhất trên địa bàn TP. Trước đó, ngày 2/3, việc tháo dỡ ngôi trường cũ đã bắt đầu tiến hành.
Việc tháo dỡ trường cũ đã bắt đầu tiến hành từ ngày 2/3 để đến ngày 15/4 khởi công xây dựng lại trường THPT Phan Châu Trinh "gốc" (Ảnh: HC) |
Nhận được thông tin này, sáng 3/3, nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh trường Phan Châu Trinh đã tìm đến, ghi lại những hình ảnh cuối cùng của ngôi trường cũ trước khi nó kết thúc hơn 60 năm phục vụ để nhường chỗ cho ngôi trường mới.
Trải qua nhiều năm gần như bị bỏ hoang, không được tu bổ, nâng cấp, ngôi trường đã xuống cấp nặng nề. Nhiều phòng học bị sập mái la phông; mái tôn cũng bị hư hỏng nặng; cửa chính, cửa sổ bị long lở; bàn ghế, bảng đen… mục nát, gãy đổ không còn sử dụng được. Cảnh tượng trường xưa tiêu điều, ảm đạm, thậm chí nhếch nhác. Thế nhưng đây vẫn là nơi tìm về hoài niệm của học sinh cũ và cả học sinh đang học.
Sáng 3/3, nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh trường Phan Châu Trinh đã đến chụp hình lưu niệm với ngôi trường cũ trước khi nó được thay thế bằng ngôi trường mới |
Sau khi đọc thông tin trên Infonet, nhiều bạn đọc đã đề nghị cho biết cụ thể thêm về dự án xây dựng lại trường Phan Châu Trinh. Nhà báo Lê Phi Hải (cựu học sinh Phan Châu Trinh, hiện công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng) bày tỏ: “Hy vọng cổng trường, trụ cờ và tượng cụ Phan được giữ nguyên”.
Bạn Uyên Ni, cựu học sinh Phan Châu Trinh khóa 1995 – 1998 thì “mong sẽ nhìn thấy ngôi trường được xây dựng mới với mô hình cũ”.
Bạn đọc Đặng Huy đề nghị: “Xây mới nhưng màu sắc, cảnh quan, đặc biệt là hàng rào, cổng, tượng cụ Phan Châu Trinh, các cây cổ thụ vẫn phải được giữ nguyên vì nó đã ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ học sinh của trường. Nếu đập bỏ và xây mới hoàn toàn như cơ sở 2 ở phía đối diện thì quá xót xa!”. Tương tự, bạn đọc Võ Lý đề nghị: “Xây mới nhưng giữ lại nét cũ thì hay biết mấy. Đừng làm thành lô cốt hay lâu đài!”.
Trải qua nhiều năm gần như bỏ hoang, không được tu bổ, nâng cấp, trường Phan Châu Trinh "gốc" đã xuống cấp nặng nề! |
Trên sân trường rợp bóng mát, chúng tôi tình cờ gặp thầy giáo Phạm Hoàng đang đưa vợ đến chụp ảnh trường cũ để lưu niệm. Thầy vốn là cựu học sinh Phan Châu Trinh từ năm 1964 đến 1971 - thời điểm trường có cả các lớp Đệ nhất cấp (THCS) và Đệ nhị cấp (THPT). Năm 1975, thầy trở thành giáo viên dạy Toán của trường cho đến khi về hưu năm 2012. Vợ của thầy, cô Nguyễn Thị Ngói cũng là cựu học sinh Phan Châu Trinh.
“Theo thầy biết thì các dãy phòng học này sẽ bị đập hết. Kể ra cũng tiếc vì nó ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của các thế hệ giáo viên, học sinh. Nhưng giữ lại cũng không ổn vì xuống cấp quá rồi. Vả lại, nguyên gốc trường Phan Châu Trinh hồi những năm 50 – 60 chỉ 1 tầng thôi, về sau mới nâng lên thành 2 tầng nên cũng không đảm bảo. Được xây dựng lại là quá vui, chứ lẽ ra người ta đã tổ chức bán đấu giá rồi!” – thầy Phạm Hoàng nói.
Thầy Phạm Hoàng, cựu học sinh, cựu giáo viên trường Phan Châu Trinh: "Đập hếtcác dãy phòng học cũ kể cũng tiếc nhưng giữ lại thì không ổn vì xuống cấp quá rồi!" |
Bà Tô Thị Ngân (bán nước trước cổng trường Phan Châu Trinh) kể về cha mình,Tô Thao,là bác "cai trường" làm việc tại trường này từ năm 1960 cho đến khi về hưu 1985 (mất năm 1988). Ông vốn nổi tiếng "cao nhất trường, gầy nhất trường và dữ nhất trường" khiến rất nhiều thế hệ học sinh Phan Châu Trinh nhớ về ông, nhất là những học sinh nghịch ngợm! |
Trên những chiếc ghế đá trong sân trường, nhiều thế hệ học sinh Phan Châu Trinh đã thắp lên niềm mơ ước bay cao, bay xa... |
Để tìm hiểu rõ thêm, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng và được ông cho biết, theo quyết định đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng phê duyệt, trường Phan Châu Trinh sẽ xây dựng mới theo đường nét của ngôi trường cũ trên diện tích đất 6.807m2 (diện tích xây dựng 1.800m2, diện tích sàn xây dựng 7.725m2) với tổng kinh phí đầu tư hơn 90 tỉ đồng, bao gồm xây lắp và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy - học.
Toàn bộ các dãy phòng 2 tầng của trường cũ sẽ được đập bỏ để xây lại thành 4 tầng với 57 phòng dùng làm phòng học và phòng chức năng phục vụ cho giáo dục thực hành mà hiện cơ sở 2 đang rất thiếu. Trong đó, tầng 1 hoàn toàn để trống (không có phòng học) để học sinh có thêm không gian vui chơi, sinh hoạt. Đồng thời có đường hầm (rộng 6m, dài 38,2m, cao 3m) nối với cơ sở 2 ở bên kia đường Lê Lợi.
Họ đều mong muốn trường Phan Châu Trinh "gốc" sau khi xây mới vẫn giữ được cảnh quan xanh mát... |
Giữ được những cây cổ thụ đã hơn 60 năm tuổi |
Giữ nguyên cổng trường đã đi vào miền ký ức của bao thế hệ học sinh và trở thành biểu tượng của trường Phan Châu Trinh... |
Giữ nguyên cột cờ... |
Và giữ nguyên bức tượng bán thân của cụ Phan Châu Trinh dựa theo mẫu tượng đài bằng đồng do cố điêu khắc gia Đỗ Toàn (nguyên giáo viên trường Phan Châu Trinh) xây dựng nhân ngày húy cụ Phan 24/3/1966... |
...chứ đừng thô ráp, vô hồn như cơ sở 2 ở phía bên kia đường Lê Lợi (được xây dựng cách đây 10 năm) |
Ông Lê Trung Chinh khẳng định, trường Phan Châu Trinh sẽ được xây dựng mới, hiện đại nhưng cổng chính vẫn giữ nguyên, hoàn thiện mới bằng đá granito theo màu hiện trạng, xây mới tường rào và cổng phụ dài 340m. Cột cờ và tượng cụ Phan Châu Trinh cũng được giữ nguyên. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2015 vì đây là một trong 10 công trình trọng điểm của Đà Nẵng trong năm nay.
“Công trình này được Sở Xây dựng lấy ý kiến các chuyên gia, rồi Thành ủy, UBND TP họp không biết bao nhiêu lần để đi đến quyết định. Rút kinh nghiệm khi xây cơ sở 2, thiết kế trường Phan Châu Trinh “gốc” rất hài hòa. Sau khi xây dựng mới sẽ rất thoáng, không bị khuất tầm nhìn, giữ được vẻ thanh thoát và tính thẩm mỹ của ngôi trường cũ!” – ông Lê Trung Chinh cho hay.
Phối cảnh trường Phan Châu Trinh mới (thiết kế của Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng An Thy) |
Chuyện kể rằng thầy Trần Đại Tăng dạy Toán suốt 40 năm ở trường Phan Châu Trinh, khi cầm giấy báo nghỉ hưu năm 1998 do thầy hiệu trưởng trao, đã chạy một mạch ra nhà xe vì sợ mình sẽ òa khóc. Trưa đó thầy bay vào Sài Gòn, nhưng cái huyên náo của đô thị lớn nhất nước không làm vơi đi nỗi buồn chất chứa trong lòng. Sáng hôm sau thầy về lại Đà Nẵng, tối đó một mình đến trường, lách vào cánh cổng khép hờ, đứng tựa người vào tượng cụ Phan và chia sẻ nỗi lòng với cảnh vật chung quanh sân trường vắng ngắt...
Trong hồi ký “Một đời thầy – Một đời thơ”, thầy Trần Đại Tăng viết: “Tôi dạy cha mẹ rồi dạy thế hệ con cái của họ. Hai thế hệ. Bao nhiêu cuộc đời. Bốn mươi năm mê mải! Còn lại tôi ở đây với một tâm hồn trĩu nặng ưu tư, tóc bạc trắng phau phau và nỗi nhớ nhung dằn vặt. Tôi gọi thầm: Trường ơi! Phan Châu Trinh ơi! Hình như có hai hàng nước mắt đang lăn dài trên má! Đêm đó, trong giấc ngủ, thấy mình đứng trên bục giảng, bẻ phấn đề thơ: Mình về chẻ mộng chia mơ/ Xõa tung tóc trắng đợi chờ lai sinh/ Trường xưa nắng cứ lung linh/ Đến thiên thu vẫn đậm tình đó em”.