Những đoàn tàu bọc thép đáng gờm nhất của Nga
Những đoàn tàu bọc thép từng là một trong những vũ khí ấn tượng nhất của quân đội Nga. Chúng được trang bị công nghệ mới nhất và thậm chí còn mang cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Từ đầu thế kỷ trước, quân đội Nga đã sử dụng tàu hỏa trong các hoạt động tác chiến trên tiền tuyến. Tuy nhiên, sự phát triển sau chiến tranh của vũ khí phản lực và vũ khí chống tăng, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và sự gia tăng khả năng cơ động của lực lượng mặt đất đã khiến cho đoàn tàu bọc thép gần như không còn “đất dụng võ” trên chiến trường. Đó là lý do tại sao loại thiết bị quân sự “tối tân” này không còn được coi là lực lượng thực chiến.
Sau đây cùng điểm lại những đoàn tàu bọc thép đáng gờm nhất của Nga:
Đoàn tàu mang hạt nhân
“Đoàn tàu mang hạt nhân” đáng gờm nhất đã và vẫn là hệ thống tên lửa chiến lược đường sắt di động BZhRK với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-22 có thể bay khắp nước Nga cũng như sẵn sàng tấn công kẻ thù bất cứ lúc nào.
Khả năng liên tục thay đổi vị trí đặt vũ khí hạt nhân đã trở thành đặc điểm nổi bật của BZhRK, vì Nga đứng thứ 3 thế giới về chiều dài các tuyến đường sắt với hơn 120.000 km. Do đó, những chuyến tàu như vậy đã được đưa vào phục vụ quân đội từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và gần như các vệ tinh đối phương rất khó nắm bắt vị trí chính xác của đoàn tàu này.
Tổ hợp tên lửa đường sắt di động thường có gần 10 toa, trong đó 3 toa là các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. |
Tuy nhiên, ngay cả một vũ khí đáng gờm như vậy cũng có nhược điểm. “Các đoàn tàu rất nặng (chỉ một quả tên lửa đã nặng hơn 110 tấn). Chúng được kéo bởi 3 đầu máy diesel và sau mỗi lần di chuyển trên đường sắt cần phải gọi đội sửa chữa để gia cố bờ bao. Điều này khiến lãnh đạo Bộ Đường sắt rất đau đầu”, nhà phân tích quân sự của hãng thông tấn TASS, ông Viktor Litovkin chia sẻ với Russia Beyond.
Theo ông Litovkin, các đoàn tàu với tên lửa RS-22 đã đi vòng quanh đất nước từ năm 1984 đến năm 1994, sau đó chúng bị loại khỏi biên chế theo một thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận hiện tại về cắt giảm vũ khí hạt nhân quy định rằng, Nga và Mỹ có 700 tên lửa mang hạt nhân được triển khai (tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) và 100 chiếc khác trong kho. Đồng thời, số lượng đầu đạn hạt nhân nên được giới hạn ở mức 1.550 đầu đạn.
Vào năm 2013, Nga đã có kế hoạch loại bỏ một số hệ thống tên lửa khỏi nhiệm vụ chiến đấu để đưa tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động Barguzin BZhRK thế hệ mới trở lại đường ray. Mỗi đoàn tàu hạt nhân mới sẽ mang theo 6 ống phóng tên lửa RS-24 Yars cung cấp khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất.
Tuy nhiên, mới đây, Nga đã quyết định dừng quá trình phát triển đoàn tàu hạt nhân Barguzin để dành nguồn lực triển khai vũ khí siêu vượt âm Avangard.
Theo các nguồn tin, đây là đoàn tàu được ngụy trang như những tàu hàng thông thường. Năm 2016, Barguzin đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Vào năm 2017, Rossiyskaya Gazeta đã đưa tin về việc dự án này bị đình chỉ, nhưng Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này không có ý định từ bỏ hoàn toàn các “đoàn tàu hạt nhân”.
“Khunkhuz”
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế quốc Nga được trang bị 4 đoàn tàu “Khunkhuz”. Mỗi chiếc bao gồm một đầu máy hơi nước và hai toa vũ trang ở phía trước và sau đoàn tàu.
Đoàn tàu “Khunkhuz”. |
Mỗi một khoang được trang bị 12 khẩu súng máy 8 mm Schwarzlose của Áo và một tháp với khẩu pháo 76,2 mm kiểu 1904, những khẩu súng này được sử dụng để bắn ở các khu vực rừng núi. Hai khoang chiến đấu được bọc thép dày 1,2-1,6 cm giúp bảo vệ kíp điều khiển gồm 94 người khỏi hỏa lực vũ khí nhỏ.
Quân đội Nga đã tích cực sử dụng các đoàn tàu hỏa trong các cuộc chiến trên tiền tuyến cho đến khi rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1918.
“Zheleznyakov”
Một trong những đoàn tàu chiến đấu nổi tiếng nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945) đã tham gia các trận chiến bảo vệ thành phố Sevastopol, Crimea.
Đoàn tàu được đặt tên “Zheleznyakov” và là một con quái vật bọc thép được trang bị 5 khẩu pháo 76 mm, 2 súng cối 82 mm, 14 súng máy 7,62 mm Maxim và 2 súng máy 12,7 mm DShK phòng không được đặt trên 4 bệ.
Đoàn tàu "Zheleznyakov". |
Toàn bộ phần thân của “con quái vật” này được bao bọc bởi các tấm thép dày 30 mm, mặc dù có trọng lượng lớn nhưng đoàn tàu vẫn có thể tăng tốc tới 50 km/giờ.
Chính vì hỏa lực và sự cơ động của Zheleznyakov phát xít Đức đã đặt biệt danh cho nó là “bóng ma xanh”. Bởi vì đoàn tàu Zheleznyakov có thể bất ngờ xuất hiện, tung các đòn tấn công hỏa lực mạnh mẽ rồi lại nhanh chóng biến mất khiến quân phát xít “mất ăn, mất ngủ”.
Các dãy núi và đường hầm xuyên núi tại Crimea đã giúp che giấu cho đoàn tàu trước quân phát xít. Tuy nhiên, tới gần cuối chiến tranh, phát xít Đức đã theo dấu đoàn tàu và dùng máy bay ném bom chôn chặt đoàn tàu trong một đoạn hầm ngầm xuyên núi.
Thanh Bình (lược dịch)
Tàu chiến Pháp ‘khai hỏa’ về phía Crimea
Tàu chiến Auvergne của Pháp mới đây đã nổ súng về phía tây bắc bán đảo Crimea, tạo ra một vụ “khiêu khích” nguy hiểm gần biên giới Nga.