Những điều ‘độc nhất vô nhị’ của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak
Ông Rishi Sunak (42 tuổi), cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, đã được chọn là người kế nhiệm bà Liz Truss để trở thành vị Thủ tướng thứ 3 của Vương quốc Anh chỉ trong vài tháng qua.
Ông Sunak được xướng tên trở thành nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ vào ngày 24/10, sau khi cựu Thủ tướng Boris Johnson rút lui khỏi cuộc đua vào ngày 23/10, còn bà Penny Mordaunt, đối thủ còn lại của ông Sunak, cũng đã dừng tranh ghế Thủ tướng.
Tờ Financial Times từng nhận định nếu ông Johnson trở lại làm Thủ tướng thì đây sẽ là trò hề trong giới chính trị Anh.
Ông Sunak sẽ chính thức trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua sau các cuộc gặp với Vua Charles, và thành lập chính phủ mới. Chuyện này có thể diễn ra trong thời gian sớm nhất là vào cuối ngày 24/10 hoặc 25/10.
Điều đáng nói, bà Truss, người từng đánh bại ông Sunak trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Anh vào mùa hè năm nay đã phải phải từ chức chỉ sau 6 tuần tại nhiệm.
Hiện tại, Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sau nhiều tháng đất nước liên tục đối mặt với những hỗn loạn từ bê bối của cựu Thủ tướng Johnson, cho tới chính sách kinh tế sai lầm của bà Truss.
Hàng loạt thách thức
Trở thành tân Thủ tướng Anh, ông Sunak sẽ đối mặt với không ít thách thức, nhưng vẫn được kỳ vọng là người định hướng lại và ổn định nền kinh tế Anh sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 lây lan. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Anh đang đe dọa đẩy hàng nghìn người dân rơi vào cảnh đói nghèo.
Trước đó, để giải quyết khủng hoảng do lạm phát tăng cao và giá bán nhiên liệu không ngừng tăng, bà Truss đã chi 60 tỉ bảng Anh (68 USD) để giúp điều hướng chi phí sống cho người dân, đồng thời giảm thuế lên tới 45 tỉ bảng Anh (51 tỉ USD).
Tuy nhiên, đồng bảng Anh lại rơi xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử khiến trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo trên thị trường. Sự hỗn loạn khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải vào cuộc và tung ra hàng tỉ USD để ổn định thị trường trái phiếu.
Bà Trusss sau đó đã rút lại chính sách kinh tế gây tranh cãi, nhưng thiệt hại thì không thể thay đổi được. Đặc biệt, uy tín của Thủ tướng Trusss cung lao dốc nhanh chưa từng có, buộc bà phải từ chức vào ngày 20/10. Bà Trusss trở thành nhà lãnh đạo Anh có nhiệm kỳ ồn ào và ngắn ngủi nhất lịch sử trong nước này với vỏn vẹn chỉ 6 tuần giữ chức vụ.
Trên thực tế, các chương trình chi tiêu khẩn cấp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành cùng giá năng lượng tăng vọt do xung đột giữa Nga - Ukraine khiến nền tài chính của Anh đã rơi vào căng thẳng từ trước.
Theo dự đoán kinh tế toàn cầu mới nhất trong tháng này, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, và 0,2% trong năm tới. Trước đó, nền kinh tế Anh tăng 6,6% vào năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh là 10,1% trong tháng Chín đã làm gia tăng thêm sức ép với khách hàng và các doanh nghiệp nhỏ.
Những điều ‘độc nhất vô nhị’ của tân Thủ tướng
Ông Sunak (42 tuổi) là người gốc Ấn đầu tiên trở thành Thủ tướng nước Anh. Ông sinh ra ở Southampton vào năm 1980. Cha ông từng làm bác sĩ, còn mẹ điều hành một nhà thuốc.
Ông Sunak gặp vợ mình là bà Akshata Murty, con gái của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy khi họ theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford. Ông Narayana Murthy là người sáng lập công ty gia công phần mềm khổng lồ Infosys Ltd. Trong khi đó, vợ chồng ông Sunak đã có 2 con gái.
Ông Sunak được bầu làm nghị sĩ Anh vào năm 2015, và mới chỉ mới giữ một chức Bộ trưởng duy nhất trong 2 năm.
Khối tài sản “khủng” của hai vợ chồng ông Sunak mới là điều đáng bàn. Theo đó, cặp đôi đang hữu số tài sản trị giá khoảng 730 triệu bảng Anh. Con số này gần gấp đôi so với khối tài sản được ước tính 300 triệu - 350 triệu bảng của Vua Charles III và Vương hậu Camila.
Chưa hết, ông Sunak còn sở hữu số nhà ở được cho sánh ngang với Vua Charles III. Vào đầu năm nay, ông Sunak còn trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên lọt vào danh sách người giàu nhất nước Anh của tờ Sunday Times.
Minh Thu (lược dịch)