Những dấu hiệu cho thấy suy nhược cơ thể và cách phòng ngừa
Tờ Express dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Anh Clarissa Lenherr cho hay, có một số dấu hiệu để phân biệt tình trạng cơ thể bị suy nhược bệnh lý với tình trạng mệt mỏi.
Theo đó, thay đổi tâm trạng là một trong những dấu hiệu của hiện tượng này. Nó có thể biểu hiện qua tâm trạng muốn né tránh, lo lắng, trầm cảm. Ngoài ra, tình trạng không hết mệt mỏi sau một giấc ngủ đủ giấc cũng tương đối đáng lo ngại.
Một dấu hiệu nữa cho thấy tình trạng suy nhược là cái gọi là “sương mù não”, người mắc trở nên khó khăn khi suy nghĩ và lập luận, mất khả năng tập trung.
Suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi kéo dài thường xuyên khiến bạn cảm thấy kiệt sức. (Ảnh: Depositphotos) |
Trong số những biểu hiện khác, việc thay đổi cân nặng quá nhanh cũng có thể cho thấy bạn bị kiệt sức. Cũng cần chú ý đến tình trạng của da, nếu da bị khô và xỉn màu cũng là một nguyên nhân đáng lo ngại.
Trước đó, các nhà khoa học Anh và Hà Lan đã phát hiện ra rằng nguyên nhân khiến tinh thần mệt mỏi, mất tập trung và giảm khả năng nhận thức có thể là do các quá trình viêm nhiễm trong cơ thể.
Các chuyên gia cũng biết rằng hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể phát triển không phải do hoạt động của hệ thống miễn dịch bị rối loạn, mà là do thiếu iốt hoặc có vấn đề với tuyến giáp.
Suy nhược cơ thể là triệu chứng mệt mỏi toàn thân, thời gian mắc bệnh có thể kéo dài ít nhất 6 tháng. Suy nhược cơ thể xảy ra mọi lứa tuổi ở nam và nữ, trong đó độ tuổi từ 20 - 40 có nguy cơ cao nhất, theo nghiên cứu, phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.
Suy nhược cơ thể nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh có thể nặng lên và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người khác, kèm theo ác mộng về đêm khiến người bệnh không thể ngủ được hoặc khó ngủ. Từ đó, dẫn đến những hệ luỵ như tư duy kém, khó tập trung tư tưởng, hay quên, phản xạ thần kinh chậm lại, cử chỉ hành vi đôi khi không chính xác,...
Với những dấu hiệu suy giảm sức khỏe kể trên, người bị suy nhược cơ thể sẽ không thích làm việc hoặc không hăng hái, mau mệt và năng suất cũng như chất lượng công việc kém... Do vậy, họ thường gặp thất bại, chán nản và buông xuôi.
Một số người dễ bị suy nhược cơ thể hơn nếu thuộc vào những nhóm như dưới đây:
Người hay ốm vặt: Nếu bị bệnh thường xuyên, bạn sẽ thấy cơ thể mình suy kiệt dần theo thời gian. Thể trạng yếu sẽ khiến bạn có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, không hấp thu được dinh dưỡng từ thực phẩm…
Người làm việc quá sức: Người làm việc quá sức sẽ khiến năng lượng trong cơ thể tiêu hao nhiều. Tình trạng ăn uống thiếu chất và thời gian nghỉ ngơi không hợp lý sẽ dễ dẫn đến suy nhược cơ thể.
Người già yếu: Những người già thường có tâm lý ăn kiêng để phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, việc kiêng ăn quá mức sẽ gây thiếu chất và dẫn đến suy nhược cơ thể ở những người lớn tuổi yếu sức.
Người mới phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật, cơ thể dễ bị thiếu máu và tiêu hao năng lượng nhiều. Sau đó, người bệnh sẽ dễ rơi vào trạng thái suy nhược nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phục hồi.
Cách phòng ngừa suy nhược cơ thể:
Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ. Cần đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc thay đổi nào của cơ thể. Điều này giúp bác sĩ xác định và điều trị sớm những vấn đề tìm ẩn trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tình trạng suy nhược tiến triển xấu đi.
Vũ Phong (lược dịch)