Bệnh nhân Covid-19 nặng ở Việt Nam từng cần tới 20 loại máy móc để cứu sống, người Việt chớ chủ quan!
Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ gây ám ảnh toàn cầu khi bác sĩ phải rút ống thở của bệnh nhân già nhường cho người trẻ, các đống lửa đốt xác cháy rừng rực khắp nơi. Người các nước nhìn vào để phòng chống dịch, không thể chủ quan
Ấn Độ ban đầu từng được coi là một câu chuyện thành công trong việc vượt qua đại dịch, nhưng đất nước với gần 1,4 tỷ dân này đang đuối sức khi Covid-19 bùng phát đợt 2 trong khi hệ thống y tế đã quá tải.
Theo Indian Express, tại bệnh viện Gorakhpur, các bác sĩ đã quyết định rút ống thở cấp ôxy cho 3 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi, lần lượt 70, 60 và 55 tuổi, sau khi tình trạng sức khỏe của họ không được cải thiện trong 1 tuần.
Lãnh đạo bệnh viện nói rằng, việc rút ống thở được thực hiện với sự đồng ý của gia đình các bệnh nhân, đồng thời khẳng định các bác sĩ "đã chọn cứu sống những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn". Tuy nhiên, những điều này cũng khiến cho nhiều người nhất là các đồng nghiệp y khoa ám ảnh. Đây có thể nói là một viễn cảnh quá khủng khiếp với các nước nhưng không hề xa xôi nếu như chủ quan coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh.
TS Thân Mạnh Hùng- Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiều đới Trung ương chia sẻ, việc rút ống thở này thực sự là sự cân não với các bác sĩ Ấn Độ và đồng nghiệp các nơi đều chia sẻ với họ.
Theo bác sĩ Hùng, rút ống thở có 2 tình huống. Thứ nhất là khi bệnh nhân nặng vào tiên lượng tốt sẽ được đánh giá cai máy để bỏ máy thở cho bệnh nhân.
Tình huống thứ hai là khi bệnh nhân tiên lượng nặng nguy cơ tử vong cao, không thể cứu được.
TS BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. |
BS Hùng chia sẻ có nhiều trường hợp bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, người nhà xin được rút ống máy thở nhưng bác sĩ không ai làm được. Đa phần bác sĩ chỉ hướng dẫn người nhà cách rút ống nội khí quản.
Về nguyên tắc dù gia đình xin về thì người bệnh vẫn còn đang sống, dù có thể họ sẽ tử vong trong 1,2 tiếng sau nhưng đó là mạng người nên bác sĩ không thể nào thực hiện được, trừ những bệnh nhân đã xác định tử vong tại bệnh viện.
Bác sĩ Hùng chia sẻ ở nhiều quốc gia đã có các Luật về quyền được chết nhưng tại Việt Nam thì chưa.
Còn đối với Ấn Độ, các bác sĩ tại đây đã phải quyết định rút máy thở của các bệnh nhân lớn tuổi mắc Covid-19 nặng, nhường cơ hội sống cho những người bệnh trẻ hơn và bị bệnh nhẹ hơn. Khi đọc những thông tin đồng nghiệp phải rút máy thở của người già nhường cho người trẻ, các bác sĩ cũng thấy ám ảnh, đồng cảm với đồng nghiệp.
Nhưng ở tình hình Ấn Độ hiện nay, không còn là chuyện cứu chữa trong trạng thái bình thường mà là cấp cứu thảm họa y khoa.
Cấp cứu thảm họa y khoa thì bác sĩ sẽ phải sàng lọc người bệnh và bao giờ họ cũng phải đưa ra lựa chọn quyết định, buộc phải ưu tiên người có cơ hội được cứu sống cao hơn người có tiên lượng thấp.
Ở hoàn cảnh không có sự lựa chọn nào khác, bác sĩ đành phải chọn theo khoa học cấp cứu thảm họa. Họ không thể dồn cơ hội vào các ca bệnh đầu ra rất ít. Bác sĩ Hùng chia sẻ “ở bất cứ đâu nếu tình trạng đó xảy ra thì bác sĩ cũng không thể có sự lựa chọn khác. Điều tôi muốn mọi người chú ý là đừng bao giờ điều ấy xảy ra ở nước mình”.
Nền y tế Ấn Độ đang bị "thất thủ" bởi đại dịch Covid-19. |
Dù là lựa chọn trong điều kiện thảm họa, nhưng ở góc độ nào đó, sau khi quay trở lại cuộc sống bình thường chắc chắn người bác sĩ đó sẽ vô cùng ám ảnh bởi vì những quyết định của mình.
BS Hùng khuyến cáo, người dân cần tuân thủ phòng dịch nghiêm túc để không bao giờ phải rơi vào cảnh như Ấn Độ.
BS Hùng nhớ lại những đợt dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, dù số ca mắc ít nhưng chỉ cần có 1 ca diễn biến nặng ngành y tế đã phải dồn mọi nguồn lực vào chữa trị.
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 19, để cứu được bệnh nhân thì cần tới 20 loại máy móc hỗ trợ. Vì vậy, cho rằng dù Việt Nam chống dịch tốt, chúng ta đi trước 1 bước nhưng người dân cũng không nên chủ quan lơ là vì chỉ bỏ qua một lỗ hổng, dịch có thể xảy ra, với những biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh sẽ vô cùng nguy hiểm.
K.Chi