Những chiếc bánh đặc biệt của anh thợ từng lang thang đánh giày
Phạm Hồng Uyên từng là đứa trẻ lang thang đường phố để kiếm sống. Giờ đây, anh trở thành chủ một tiệm bánh ngọt ở Hà Nội. Anh quay lại tặng bánh cho những đứa trẻ đường phố mỗi dịp sinh nhật. Đó là món quà mà ngày xưa anh chỉ có thể nhìn từ xa và ao ước.
Sinh năm 1987, Uyên lớn lên trong một gia đình nông thôn có 5 anh chị em ở Hà Nam. Năm anh 14 tuổi, mẹ bị tai biến, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh không thể tiếp tục đi học.
Cậu bé Uyên khi đó bắt xe lên Hà Nội tìm việc làm. Những ngày đầu lang thang trên đất Thủ đô, anh được người quen cho mượn tiền để lấy báo đi bán dạo. Sau nửa tháng bán báo, Uyên tích cóp được vài chục nghìn đồng để mua bộ đồ nghề đánh giày. Từ đó, Uyên trở thành đứa trẻ đánh giày trên khắp các con phố.
Uyên kết bạn với những đứa trẻ đường phố giống như mình và thấy các bạn hay rủ nhau đến một nơi được gọi là tổ chức Rồng Xanh (một tổ chức chuyên giúp đỡ, giải cứu trẻ em đường phố, phụ nữ, người lao động..). Tới đây, Uyên được các tình nguyện viên cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân, hướng nghiệp, để suy nghĩ về một tương lai xa hơn cho mình.
Uyên bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ mình không thể mãi làm công việc đánh giày như thế này được. Những lần vào cửa hàng, quán ăn mời khách đánh giày, Uyên nhìn thấy những đứa trẻ được bố mẹ tổ chức sinh nhật với chiếc bánh gato rất đẹp mắt trước mặt. Cậu thiếu niên chưa từng được nếm thử món bánh này, lại càng chưa được tổ chức sinh nhật như những đứa trẻ may mắn kia.
16 tuổi, Uyên quyết định đi học nghề làm bánh. Không có tiền, Uyên xin vào tiệm bánh vừa học vừa làm để được nuôi ăn ở.
Học nghề và rèn tay nghề suốt 8 năm, anh mới có đủ vốn liếng và kinh nghiệm để mở cửa hàng cho riêng mình. Trải qua vài lần thất bại, đến năm 2016 anh ổn định kinh doanh với một cửa hàng bánh trên con phố ở quận Cầu Giấy.
Giai đoạn Covid-19 ập đến, rảnh rỗi, anh tìm lại những người bạn ở tổ chức Rồng Xanh ngày xưa, gặp gỡ rất nhiều đứa trẻ, bé nào cũng có hoàn cảnh riêng, khó khăn riêng. Anh tự hỏi mình có thể giúp được gì cho chúng.
“Bây giờ, mình làm bánh thì cách tốt nhất là mình tặng bánh. Mỗi lần có sinh nhật, khi được các bạn nhắn là mình sẽ làm một chiếc bánh tặng các em. Mình hi vọng chiếc bánh sẽ mang đến cho các em một chút niềm vui như những đứa trẻ khác, để các em biết rằng mình vẫn còn được quan tâm và yêu thương”.
Anh biết ở đó có nhiều đứa trẻ hoàn cảnh rất đáng thương. Khó khăn lớn nhất của chúng là không có người dẫn dắt, định hướng để có một kế hoạch lâu dài cho tương lai. “Những cạm bẫy bên ngoài cũng rất dễ khiến các em sa ngã. Các em chưa đủ các kỹ năng sống để tự bảo vệ mình. Những tổn thương về thể chất có thể chữa lành được nhưng những tổn thương về tinh thần thì sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn và lâu dài”, anh chia sẻ.
Nhớ lại những ngày tháng sinh hoạt ở Rồng Xanh, anh kể, ngày ấy xã hội rất phức tạp – có rất nhiều tệ nạn chực chờ một đứa trẻ đường phố. Tuy chỉ được dẫn dắt bởi các tình nguyện viên ở tổ chức này chưa đến 1 năm nhưng đó là thời gian quý giá, giúp anh thay đổi tư duy, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này, nhất là công việc mà anh chọn lựa.
Nói về tấm lòng của ông chủ tiệm bánh, anh Đỗ Duy Vị - CEO tổ chức Rồng Xanh chia sẻ: “Tôi và Uyên biết nhau khi 2 đứa lang thang đánh giày trên những con phố Hà Nội năm 2003. Sau đó, 2 đứa rẽ theo 2 hướng khác nhau. Chúng tôi mất liên lạc cho đến đợt dịch Covid-19 năm 2021. Khi biết tôi đang làm việc với những đứa trẻ giống chúng tôi ngày xưa, Uyên ngỏ ý muốn giúp đỡ.
Từ đó đến nay, Uyên tặng những chiếc bánh sinh nhật được trang trí đẹp mắt cho những đứa trẻ khó khăn và nạn nhân của mua bán người ở Rồng Xanh. Những chiếc bánh đó có thể là dành cho những đứa trẻ lần đầu tiên trong đời được tổ chức sinh nhật, cũng có thể là để chào đón một nạn nhân mới trở về sau những ngày tháng bị bán sang xứ người.
Mỗi lần đặt bánh, Uyên luôn hỏi nhân viên muốn lấy chiếc to hay nhỏ để đảm bảo tất mọi người đều có phần. Chúng tôi rất biết ơn và trân trọng tấm lòng của bạn”.
Nguyễn Thảo