Những cái chết trong cô độc ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc
Hồi tháng Chín, một người đàn ông ngoài 60 tuổi được tìm thấy đã chết trong căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại quận Songpa, phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Theo Korea Times, trong lúc cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đang tìm hiểu nguyên nhân khiến hệ thống báo động tại tòa nhà dừng hoạt động, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân sau 2 tuần người này qua đời. Những người hàng xóm cho hay nạn nhân sống một mình và không liên lạc với người thân trong gia đình.
Cảnh sát kết luận trường hợp tử vong của nạn nhân ngoài 60 tuổi là "godoksa”, ám chỉ người chết tại nhà trong cô đơn và phải mất nhiều ngày sau thi thể mới được phát hiện. Nạn nhân trước đó đã hoàn toàn cắt đứt liên lạc với các thành viên trong gia đình cũng như họ hàng.
Để tìm hiểu số ca tử vong như trên cũng như đưa ra các biện pháp ngăn chặn, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã cho tiến hành điều tra hoàn cảnh của những người chết trong cô độc kể từ tháng Tư, và thông báo kết quả vào ngày 14/12. Đây là lần đầu tiên một cơ quan của chính phủ Hàn Quốc điều tra những cái chết như này.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số người chết trong cô độc đã gia tăng ở nước này trong 5 năm qua. Như vào năm 2021, Hàn Quốc có 3.378 trường hợp "godoksa”.
Trên thực tế, số vụ chết trong cô đơn đã tăng từ 2.412 vụ vào năm 2017 lên thành 3.378 trong năm 2021. Theo dự báo, số người chết trong cô độc tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, do số hộ gia đình chỉ có một thành viên cũng đang tăng nhanh.
Tính theo khu vực, số trường hợp "godoksa” nhiều nhất là ở tỉnh Gyeonggi với 3.185 người, theo sau là Seoul 2.748, và Busan 1.408. Thành phố Sejong ghi nhận mức thấp nhất với 54 vụ.
Số nam giới chết trong cô độc cũng cao hơn nữ giới là hơn 4 lần. Như vào năm 2021, 2.187 nam giới qua đời một mình, và nữ giới là 529 người.
Tính về độ tuổi, hơn 1/2 nạn nhân là người ngoài 50 và 60 tuổi. Những người trong độ tuổi 20 và 30 chiếm 7%.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn ca chết trẻ là do tự sát thay vì bệnh tật. Do đó, để ngăn chặn những nạn nhân trẻ tuổi tự tử, chương trình hỗ trợ tâm lý và thể chất là đặc biệt quan trọng.
Ông Cho Kyoo-hong, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, nhấn mạnh nghiên cứu về những ca tử vong trong cô độc là bước đầu tiên để các cơ quan chính phủ và cấp địa phương có hành động ngăn chặn, bởi nó đang trở thành điểm mù mới trong hệ thống phúc lợi của Hàn Quốc.
“Anh và Nhật Bản gần đây đã thành lập một tổ chức chuyên giải quyết trường hợp chết trong cô độc, và xây dựng chiến lược ngăn chặn. Dựa trên thông tin của bản nghiên cứu, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc sẽ có những nỗ lực phối hợp với các ban ngành liên quan để xây dựng kế hoạch tổng thể ngăn chặn những cái chết như này vào quý I năm 2023”, ông Cho nói.
Làm giả hồ sơ vay tiền để mua xế hộp và đồ hiệu, đối tượng đối mặt án tù 20 năm
Bí quyết giúp nữ tiếp viên mất việc ở tuổi 50 nhanh chóng được nhiều công ty săn đón
Minh Thu (lược dịch)