Những cái chết bất thình lình ở thành phố thuộc top an toàn nhất thế giới
Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc lâu nay vẫn nằm trong danh sách những nơi an toàn nhất trên thế giới khi xét trên phương diện tội phạm.
Người dân Hong Kong có thể bị cướp trên mạng khi số vụ lừa tình và lừa đảo mạo danh đang gia tăng, nhưng nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ cướp giật ngoài đời hoặc tội phạm bạo lực lại rất thấp.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), như vào năm 2021, Hong Kong, nơi sinh sống của 7,4 triệu dân, chỉ ghi nhận 23 vụ giết người. Tại London, nơi sống là 8,9 triệu người, 124 vụ giết người đã xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 – 3/2022.
Bảng xếp hạng Chỉ số các thành phố an toàn (SCI) của Economist Intelligence Unit, cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, đánh giá Copenhagen đứng vị trí số 1, và theo sau là Toronto đứng thứ 2 và Singapore đứng thứ 3. Hong Kong đứng thứ 8 trong danh sách này.
Tuy nhiên, khi xét tới khía cạnh an toàn lao động và những vụ tai nạn khó hiểu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác ở Hong Kong.
Điển hình, hồi tháng Chín, sau vụ tai nạn khiến 3 người lao động thiệt mạng, bà Winnie Chiu Wai-yin, Phó Chánh thanh tra cảnh sát đặc khu Hong Kong, đã yêu cầu tiến hành điều tra mở rộng các quy định an toàn lao động ở công trường xây dựng.
“Tình hình hiện tại là vô cùng đáng lo ngại. Mạng sống là vô giá, do đó chỉ một ca tử vong trong ngành xây dựng đã là quá nhiều”, bà Chiu nhấn mạnh.
Hiện chính quyền Hong Kong đang xem xét lại các quy định trong luật an toàn lao động. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ lao động có thể phải nhận hình phạt tăng nặng nếu để xảy ra sai sót dẫn tới thương tích hoặc tử vong cho người lao động.
Ngành thẩm mỹ ở Hong Kong cũng đang hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ do không có các quy định đối với cơ sở làm đẹp dẫn tới nhiều trường hợp đã tử vong.
Vụ việc nghiêm trọng nhất từng xảy ra vào năm 2012, khi một phụ nữ (46 tuổi) tử vong trong lúc làm thủ thuật truyền máu được cho sẽ giúp trông trẻ ra và tăng cường hệ miễn dịch, dù cơ sở làm đẹp không đưa ra được bằng chứng khoa học để chứng minh cho lời quảng cáo. Nạn nhân đã chi 50.000 đô la Hong Kong (6.400 USD) để làm đẹp, nhưng không may đã qua đời.
Người phụ nữ được xác định bị sốc nhiễm trùng huyết dẫn tới suy đa tạng. Vào năm 2020, bác sĩ thực hiện thủ thuật làm đẹp cho nạn nhân đã bị tòa án phạt 3,5 năm tù giam.
Còn vào năm 2021, một bác sĩ ở Hong Kong đã nhận án 6 năm tù sau khi thực hiện thủ thuật hút mỡ nhưng lại gây ra cái chết cho một vũ sư (32 tuổi).
Tại thành phố mà những cấu trúc tòa tháp được xem là “đặc sản” với hơn 9.000 tòa nhà cao tầng, công việc lau cửa sổ trở nên vô cùng nguy hiểm và không ít trường hợp đã tử vong.
Số lượng người giúp việc ở Hong Kong lên tới 340.000 người mà trong số này đa phần là công dân Indonesia và Philippines, nhiều người đã phải trả cái giá quá đắt trong lúc làm việc.
Vào năm 2016, các bộ luật mới đã được chính quyền Hong Kong ban hành nhằm ngăn cấm người giúp việc trèo ra bên ngoài để lau chùi cửa kính của các căn hộ cao tầng, sau khi nhiều ca tử vong được ghi nhận trong năm này. Tuy nhiên, cho tới nay vấn đề này vẫn xảy ra.
Trong năm 2021, một người giúp việc đã ngã từ tầng 6 xuống đất tử vong khi đang lau chùi cửa sổ ban công tại căn hộ của chủ nhà.
Còn vào năm 2019, một phụ nữ trẻ tuổi đã tử vong khi bị cửa kính ở căn phòng thuộc tầng 16 của một khách sạn tại quận kinh doanh nổi tiếng Tsim Sha Tsui rơi trúng người.
Như năm 2010, Hong Kong ghi nhận ca tử vong hy hữu khi một nữ sinh người Anh bị chính chiếc khăn quàng siết cổ tới chết do vướng vào xe go-kart trong lúc đang chơi.
Gặp tai nạn ‘từ trên trời rơi xuống’, người đi xe máy thoát chết nhờ chiếc mũ bảo hiểm
Thế hệ Millennials và Gen Z trở thành ‘con mồi’ của tội phạm tình dục trên mạng
Minh Thu (lược dịch)