Những bức ảnh người quê "chạy thóc" khiến cộng đồng mạng rưng rưng thương cảm
Hình ảnh người nông dân vất vả một nắng hai sương ngoài đồng chăm sóc cây lúa, rồi tới khi thu hoạch được hạt thóc vẫn đứng ngồi không yên "trông trời, trông đất, trông mây" khiến cộng đồng mạng xót xa.
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 vào mùa gặt, trời nắng như đổ lửa, người nông dân được mùa đem lúa thóc ra "nhuộm vàng" khắp đường làng, ngõ xóm.
Người dân tấp nập "chạy thóc" phơi trên con đường bê tông nội xóm để tránh cơn dông bất chợt. |
Ký ức của mỗi người con lớn lên sau lũy tre làng chắc chắn không thể thiếu những buổi trưa hè nắng gắt phơi thóc, những lúc “chạy thóc” khi trời vừa chang chang nắng gắt bỗng đổ mưa rào.
Trên mạng xã hội thời điểm này ngập tràn các hình ảnh, clip ghi lại công đoạn cuối cùng của người nông dân sau 3 tháng cấy cày ngoài đồng ruộng. Đó là những con đường thơm mùi rơm mới. Đó là hình ảnh những sân thóc vàng ươm. Đó là cảnh bà con nông dân tấp nập gặt hái, phơi thóc lúa. Để rồi, trời đổ cơn mưa bất chợt, người người lại vội vàng quýnh quáng đi "chạy thóc" khiến nhiều người ngậm ngùi xót xa.
Nghe những âm thanh quen thuộc của tiếng chổi, tiếng cào thóc khi trời đổ mưa, nhìn hình ảnh người dân tất bật "chạy thóc" hay đang ngồi mò thóc, vớt thóc bị mưa cuốn trôi khiến ai nấy bồi hồi, thương cảm.
Khoảng sân với đống thóc vàng chỉ mới kịp vun gọn đã ngập trong nước mưa... |
Biết bao người rưng rưng nước mắt khi thấy cảnh người mẹ chắt chiu vét lại những hạt thóc vừa bị cơn mưa cuốn theo dòng nước ra đường. |
Hình ảnh hạt thóc vàng chưa kịp giòn vỏ đã chìm trong nước mưa |
Người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời để rồi tới khi thu hái vẫn phải phụ thuộc thời tiết. |
Những hình ảnh trên được cư dân mạng chia sẻ trên khắp các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Nhiều người không kìm được lòng mình khi thấy cảnh người dân quá vất vả đã để lại bình luận như:
"Làm nông nghiệp khổ quá các bạn. Ba tháng trông cây không bằng một ngày hái quả. Vất vả đến nỗi thóc về tới tận sân rồi mà vẫn chưa xong";
“Nhìn thương quá, nhất là hình ảnh bà mẹ và ông chú dùng tay vơ thóc dưới cơn mưa. Đúng là người nông dân khổ trăm bề”;
“Thương người nông dân lắm. Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”;
“Nhìn mà thương lắm. Nghề nông một nắng hai sương tôi cũng đã từng trải qua. Nhìn mới biết nỗi vất vả của người nông dân, của cha mẹ ở quê như thế nào";
“Thương người nông dân vất vả trăm bề, lúa vào sân nhà rồi vẫn còn cực nhọc”.
Nhiều người nhìn cảnh ấy lại nhớ về những ký ức tuổi thơ:
"Ôi cái cảnh chạy thóc mưa nó mệt vô cùng! Tuổi thơ tôi không biết bao nhiêu lần chạy thóc mưa và cái cảm giác đó không bao giờ quên được. Khi ngày ấy chạy thóc mà trẻ con, người lớn bên hàng xóm chạy sang giúp. Trẻ thì mang rổ, lớn thì mang thúng mang chổi! Chẳng bao giờ quên được ngày xưa!";
"Vẫn nhớ ngày bé bị hạt thóc nhọn găm vào chân đau buốt mà vẫn phải cố cào thật nhanh, thi xem ai cào được núi thóc cao nhất. Rồi những lúc đang ngủ trưa nghe nhà hàng xóm gọi thật to là phản xạ bật dậy chạy ra cầm cái cào, cái chổi khua lia lịa đống thóc mẹ bảo canh mưa. Bỗng nghe thằng cu hàng xóm đứng cười như được mùa, hóa ra trời vẫn nắng chang chang";
"Ngày bé ở quê hàng xóm tình nghĩa lắm. Bố mẹ phơi thóc ở sân xong khóa cổng đi làm. Trời mưa các bác hàng xóm phải trèo cổng vào xúc lúa đổ bao, rồi bê lên hè cất cho nhà mình, mình còn bé chỉ biết đứng nhìn với đầy lòng biết ơn các bác";
"Nghệ Tĩnh quê tôi khi xưa vừa nắng chảng bỏng rát rồi lại có dông lốc mịt mù, chẳng kịp chạy thóc đâu ấy. Chỉ còn biết nhìn mà khóc thôi".
“Một vé trở về tuổi thơ” qua món quà bố tặng con nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
Không chỉ là món quà dành tặng cho cô con gái nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, bộ ảnh này còn chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X.
Lam Giang
Ảnh: MXH