Những “biến số” mới trong tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc và Triều Tiên đang đứng trước những cơ hội hợp tác mới, tạo tiền đề thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm, để thúc đẩy tiến trình hòa bình bán đảo Liên Triều.
Chuyên gia 'giải mã' những tin đồn về sức khỏe của ông Kim Jong-un
Theo RIA, chuyên gia Triều Tiên học nổi tiếng người Nga Georgi Bulychev mới đây đã đưa ra bình luận về những đồn đoán liên quan đến tình hình sức khỏe của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngày 27/4/2020 là kỷ niệm 2 năm Triều Tiên và Hàn Quốc ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, thời gian 2 năm qua cho thấy vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không phải có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Kể từ khi các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ gặp nhau tại Hà Nội vào tháng 2/2019 nhưng không thành công, quan hệ Triều Tiên – Mỹ và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo đã bị đình trệ. Tuy nhiên, đã có ba "biến số" lớn xung quanh tình hình trên bán đảo, và làm tiến trình hòa bình vẫn có khả năng thực hiện.
Lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc và Triều Tiên ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018. Nguồn: eastday.com |
Hàn Quốc chủ động có thể trở thành một động lực mới
Tổng thống Moon Jae-in ngày 27/4 đã tổ chức cuộc họp tại Nhà Xanh, ông nói rằng, việc thúc đẩy hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không thể chờ đợi đến khi có các điều kiện tốt, Hàn Quốc cần chủ động tìm kiếm kế hoạch hợp tác Bắc-Nam một cách thực tế và thiết thực nhất.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Kim Hyun-mee đã tham dự lễ kỷ niệm xúc tiến việc xây dựng tuyến đường sắt phía Bắc, Chính phủ Hàn Quốc ngày 23/4 đã chỉ định dự án đường sắt này là dự án hợp tác và trao đổi Bắc-Nam.
Các nhà phân tích tin rằng Lễ kỷ nệm công trình đường sắt Bắc-Nam của Hàn Quốc được tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai của cuộc họp Bàn Môn Điếm đã cho thấy sự sẵn lòng của Hàn Quốc trong việc thực hiện kết quả của cuộc họp này, và đây cũng là một thử nghiệm quan trọng của Hàn Quốc trong quá trình thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo.
Tuyến đường sắt Bắc-Nam là thử nghiệm của Hàn Quốc để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo. Nguồn: eastday.com. |
Thời báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã "thay đổi chiến lược" từ đầu năm 2020 và khẳng định, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không thể tiếp tục chờ đợi kết quả cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc cần thông qua việc thúc đẩy hợp tác Liên Triều để xúc tiến đối thoại Triều Tiên – Mỹ.
Phát biểu tại cuộc thảo luận giữa các chuyên gia Hàn Quốc gần đây, ông Chung-in Moon, Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc về Ngoại giao và An ninh Quốc gia cho biết, phía Triều Tiên không thể không chú ý đến những thay đổi trong tình hình chính trị Hàn Quốc khi Đảng Dân Chủ Đồng Hành (Minju) của ông Moon Jae-in đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội vào giữa tháng 4/2020 và Chính phủ Hàn Quốc đang có những động thái hoặc đề xuất cung cấp động lực mới cho chính sách Bán đảo.
Đảng Minju giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc tháng 4/2020. Nguồn: eastday.com. |
Dịch Covid-19 mang lại những sự hợp tác mới?
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bất ngờ trở thành một vấn đề quan trọng mà các quốc gia trên toàn thế giới phải đối mặt và chắc chắn nó có tác động đến các vấn đề liên quan của tình hình bán đảo. Một số chuyên gia Hàn Quốc tin rằng, dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều vấn đề trong tiến trình hòa bình bán đảo, nhưng mặt khác, nó cũng tạo cơ hội cho miền Bắc và miền Nam tăng cường hợp tác trong phòng chống dịch bệnh.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết, diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 có thể mang lại cơ hội mới cho hợp tác Bắc-Nam. Còn ông Chung-in Moon cũng tin rằng, Dự án Hợp tác Y tế Bắc-Nam có thể tạo cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ song phương.
Đầu tháng 3/2020, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đã trao đổi thư tín thảo luận với nhau. Trong thư tín, ông Kim Jong-un gửi lời thăm hỏi đến các công dân Hàn Quốc đang chiến đấu với dịch Covid-19, đồng thời nêu rõ cách nghĩ và lập trường của Triều Tiên liên quan đến tình hình bán đảo. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa đáp ứng với Hàn Quốc về dự án hợp tác phòng chống dịch bệnh và hợp tác đường sắt Triều Tiên-Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang có triển vọng mở ra hợp tác mới trong lĩnh vực chống dịch Covid-19. Nguồn: eastday.com. |
Quan hệ Mỹ - Triều có thể có bước tiến mới
Phân tích chỉ ra rằng, vấn đề bán đảo là "con dao hai lưỡi" đối với Tổng thống Mỹ Trump trong quá trình tìm cách tái cử. Do vậy, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hòa bình bán đảo để giành "điểm sáng" ngoại giao, hoặc giữ nguyên trạng "không mất điểm" trước cử tri.
Theo các báo cáo, Ngoại trưởng Mỹ gần đây đã yêu cầu cộng đồng quốc tế tăng thêm áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7, để buộc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Quan hệ Mỹ - Triều vẫn là nhân tố khó đoán. Nguồn: eastday.com |
Đáp lại, phía Triều Tiên chỉ trích rằng, một mặt, Tổng thống Mỹ Trump đã gửi thư cá nhân tới lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và tăng cường liên lạc song phương, nhưng mặt khác thì ông Pompeo lại hành xử hoàn toàn trái ngược. Điều này cho thấy, cho dù mối quan hệ cá nhân giữa những người đứng đầu CHDCND Triều Tiên và nước Mỹ tốt đến đâu, thì nó vẫn sẽ không thay đổi thái độ thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên.
Dù vậy thì giới quan sát vẫn tin rằng, biểu hiện của Tổng thống Mỹ cho thấy, ý định giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp chính trị vẫn không thay dổi, đề xướng của các nhà lãnh đạo về tiến trình hòa bình trên bán đảo trong cuộc họp năm 2018 vẫn còn nguyên giá trị.
Đức Trí (lược dịch)