Những ai có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ là bệnh âm thầm, nguy hiểm và không có triệu chứng, chủ yếu phát hiện qua khám sức khoẻ định kỳ. Nếu không phát hiện sớm bệnh tiến triển thành xơ gan thậm chí ung thư gan.
Ảnh minh họa |
Gầy cũng bị gan nhiễm mỡ
Chị Trần Thị Lam, 24 tuổi, cao 1m62, nặng 50kg, đi khám sức khỏe định kỳ cùng với công ty. Qua quá trình thăm khám và tư vấn, bác sĩ có chỉ định chị làm một số xét nghiệm máu cơ bản như tổng phân tích máu, xét nghiệm chức năng gan, thận… và siêu âm chụp X-quang để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Trong quá trình siêu âm, bác sĩ phát hiện chị bị gan nhiễm mỡ độ I. Quá bất ngờ trước kết quả của mình, ban đầu chị còn nghĩ bác sĩ đã chẩn đoán sai bởi chị nghĩ bản thân có cân nặng và chỉ số BMI bình thường 19,05 thì không thể bị bệnh và bệnh này chỉ những người béo phì mới mắc. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn và giải thích chị mới hiểu được tại sao người gầy như chị vẫn bị gan nhiễm mỡ.
Theo BS. Nguyễn Thị Ly - Chuyên khoa Nội, BVĐK Medelatec, bệnh gan nhiễm mỡ chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết sẽ làm hoạt động chuyển hóa mỡ không hiệu quả và gan bị nhiễm mỡ.
Trường hợp của chị Lam do ăn quá ít dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp, làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Quá trình này dẫn đến tích lũy các sản phẩm phân giải trong gan, sinh ra gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, những người gầy nhưng bị nhiễm virus viêm gan B, C hoặc dùng thuốc đào thải qua gan đều có nguy cơ mắc bệnh này.
GS Đào Văn Long – Phòng khám Hoàng Long, Hà Nội, cho biết bình thường lượng mỡ trong gan chiếm từ 0,8 đến 1,5% và tồn tại dưới dạng các phân tử nhỏ không quan sát được. Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan và tích lũy dưới dạng các hạt triglyceride thấy được dưới kính hiển vi quang học thì đây được xác định là bệnh lý gan nhiễm mỡ hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ hiện đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động, bệnh không chỉ gặp ở những người trưởng thành, người mắc một số bệnh mạn tính mà trẻ em cũng có thể bị bệnh.
Khoảng 25% dân số thế giới bị mắc bệnh này. Trước đây, người ta cho rằng bệnh lý này tương đối lành tính, nhưng gần đây, các nghiên cứu chỉ ra rằng gan nhiễm mỡ đơn thuần có thể diễn biến thành viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Nghiêm trọng hơn, trong giai đoạn đầu, người bị gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng, những biểu hiện đầu tiên thường chỉ thấy bụng khó chịu. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ có các triệu chứng chán ăn, sụt cân, mệt mỏi nhiều, vàng da. Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ kéo dài và không được điều trị, lâu dài có thể xảy ra các biến chứng.
Ai dễ bị gan nhiễm mỡ
Những người có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ đó là người bị béo bụng, người Việt Nam có vòng bụng trên 94cm đối với nam và trên 80cm đối với nữ.
Những người thừa cân, béo phì, những người có chỉ số đường máu trên 100mg/dl (5,6mmol/l) hoặc đang điều trị đái tháo đường. Người có huyết áp trên 130/85 hoặc đang điều trị tăng huyết áp. Người có chỉ số Trigrlycerid trên 150mg/dl (1,7 mmol/l) hoặc đang điều trị tăng Trigrlycerid.
Bệnh gan nhiễm mỡ không có thuốc đặc trị, chủ yếu người bệnh sống chung với nó và cần thay đổi chế độ sinh hoạt, lối sống. Người bị gan nhiễm mỡ cần có chế độ ăn hụt hơn người bình thường, 6 tháng kiểm tra xét nghiệm men gan 1 lần để phòng bệnh tiến triển âm thầm.
Muốn phòng chống bệnh gan nhiễm mỡ, GS Long cho biết cách đơn giản nhất là xây dựng một lối sống lành mạnh, kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi, vận động và khám sức khỏe định kỳ. Tập thể dục hàng ngày và điều chỉnh cân nặng.
Đối với việc ăn uống, cần hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, đồ ăn cay nóng, các loại nội tạng động vật. Không ăn kiêng quá mức, nếu muốn giảm cân nên theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gan nhiễm mỡ, vì vậy cần hạn chế uống một cách tối đa.
Khánh Chi