Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần thứ 3 diễn tập ở Biển Đông
Lần thứ 3 trong năm nay, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của hải quân Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của hải quân Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, tàu sân bay USS Ronald Reagan được triển khai làm nhiệm vụ trên Biển Đông.
Theo USNI, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) cùng các chiến hạm trong nhóm tác chiến đã di chuyển qua eo biển Malacca và tiến vào Biển Đông hôm 12/10. Đi theo tàu sân bay USS Ronald Reagan là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG-54) và tàu khu trục USS Halsey (DDG-97).
Mỹ huy động nhiều chiến hạm và tàu sân bay thực hiện cuộc tập trận Valiant Shield 2020 hồi tháng Chín. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
“Hoạt động trên Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện các sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải bao gồm thực hiện các hoạt động trên không với cả máy bay cánh cố định và cánh xoay, diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật điều phối hoạt động giữa các đơn vị trên biển và trên không”, tuyên bố từ Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho hay.
Trước khi tới Biển Đông, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã hoạt động trên Ấn Độ Dương sau đó di chuyển qua eo biển Malacca. Nhóm tác chiến tàu sân USS Ronald Reagan đã 2 lần tiến hành diễn tập ở Biển Đông trong tháng Bảy và Tám năm nay.
Trong một diễn biến khác, vào tối ngày 14/10, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry (DDG 52) của hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Hải quân Mỹ nhấn mạnh, tàu USS Barry thực hiện “chuyến đi thường kỳ qua eo biển Đài Loan và tuân thủ luật pháp quốc tế”.
“Chuyến đi của tàu khu trục USS Barry nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố từ hải quân Mỹ cho biết.
Phía Trung Quốc tuyên bố các lực lượng quân sự nước này đã theo dõi sát sao hoạt động di chuyển của tàu khu trục Mỹ USS Barry qua eo biển Đài Loan.
“Chúng tôi cảnh báo Mỹ cần dừng ngay những tuyên bố và hành động làm khuấy động căng thẳng và tình hình ở eo biển Đài Loan”, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Zhang Chunhui nói hôm 15/10.
Lần gần nhất một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là vào ngày 31/8. Khi đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Halsey của hải quân Mỹ làm nhiệm vụ di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Hoạt động của khu trục hạm USS Barry qua eo biển Đài Loan và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Đông diễn ra sau khi tàu USS John McCain (DDG-56) hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hồi đầu tháng 10.
Cụ thể, chiến hạm USS John S. McCain của hải quân Mỹ di chuyển trên Biển Đông vào ngày 9/10. Đây là hoạt động nằm trong sứ mệnh tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông do Mỹ tiến hành.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ - Nhật cùng có mặt ở Biển Đông, Trung Quốc nói gì?
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của các tàu chiến Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông trong tuần qua.
Minh Thu (lược dịch)