Nhóm mua bị "tuýt còi" vì khuyến mãi khủng
Nhóm mua bị "tuýt còi" vì khuyến mãi khủng
Tuýt còi vì khuyến mãi vượt 50%
Ngày 4/11, Cục Xúc tiến thương mại gửi công văn yêu cầu Công ty Nhóm mua chấm dứt việc thực hiện khuyến mãi giảm giá trên 50% cho các sản phẩm, dịch vụ thông qua website bán hàng của công ty.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, việc khuyến mãi như trên vi phạm hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi, quy định tại Điều 6 NĐ 37/2006.
Tiếp đó, ngày 30/11, Cục xúc tiến thương mại tiếp tục có công văn gửi Sở Công thương TP.HCM yêu cầu tiến hành xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Công ty TNHH Nhóm mua và báo cáo kết quả xử lý hành vi vi phạm của công ty TNHH Nhóm mua.
Trong khi thị trường mua theo nhóm, mua chung đang thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng bởi các mức khuyến mãi khủng, văn bản "tuýt còi" và yêu cầu xử phạt công ty Nhóm mua khiến cho các DN kinh doanh theo loại hình này khá “khó xử”.
Một trang web bán theo nhóm rao khuyến mãi đến 88% |
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một lãnh đạo của công ty Mua chung tỏ ra khá thận trọng, vị này cho biết “Không có nhiều thời gian để chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Nếu thực hiện khuyến mãi thì cứ tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành thôi”.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, TS. Vũ Đặng Hải Yến, Ban Pháp chế, Công ty quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận định, cần làm rõ quan hệ bán theo nhóm.
Theo TS.Yến, DN cung cấp dịch vụ bán hàng cho nhóm được DN sản xuất, cung ứng dịch vụ cung cấp các dịch vụ giá rẻ (đã khuyến mại), nên sẽ bán lại cho khách hàng với những mức ưu đãi, giá rẻ và hưởng chiết khấu.
Cho nên không thể coi việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng cho nhóm bán các sản phẩm khuyến mại vượt 50% giá trị hàng hóa là vi phạm hạn mức khuyến mại được vì họ mua hàng giá rẻ hơn thực tế và bán lại với giá rẻ hơn thực tế là điều đương nhiên.
Khuyễn mãi luôn là cách thu hút người mua hiệu quả. Ảnh minh hoạ: infonet |
Theo quy định, quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa dịch vụ được áp dụng đối với từng đơn vị hàng hóa, cho nên mặc dù DN bán hàng chỉ khuyến mại đối với một số lượng hàng hóa nhất định, hoặc một nhóm khách hàng nhất định, nhưng nếu mỗi hàng hóa, dịch vụ khuyến mại vượt quá 50% giá hàng hóa dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại thì là vi phạm hạn mức khuyến mại.
Pháp luật cạnh tranh vẫn cho phép một số trường hợp được phép bán hàng hóa, cung ứng dịch dưới giá thành toàn bộ. Điều này được quy định tại Điều 23 Nghị định 116/2005. Theo đó, đối với những hoạt động hạ giá bán hàng hóa tươi sống; Hạ giá bán hàng hoá tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; Hạ giá bán hàng hoá theo mùa vụ... |
TS.Yến nêu một ví dụ cụ thể: trên trang muachung.vn có đăng tin “Chỉ với 45.000đ được ngay voucher dịch vụ thẩm mỹ tiết kiệm 85% so với giá trị thực là 300.000đ”. Nhìn qua, khuyến mãi này vượt quá hạn mức 50% mà pháp luật quy định.
Tuy nhiên, đọc kỹ nội dung khuyến mại thì “Giá của 01 lần dịch vụ là 500.000đ. Khách hàng phải bù thêm 200.000đ để được sử dụng”. Như vậy, khách hàng phải chi 245.000đ thì mới được hưởng dịch vụ, thực chất khuyến mãi chỉ giảm là 49%. Cần lưu ý một số chiêu thức khuyến mại của các doanh nghiệp”, TS Vũ Đặng Hải Yến phân tích.
"Tuýt còi" làm mất quyền lợi khách hàng?
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhìn nhận, thu nhập khó khăn, giá cả đắt đỏ thì tâm lý người dân đều muốn giảm giá, hạ giá. Về bản chất, việc giảm giá mạnh là làm lợi cho người tiêu dùng.
“Nếu có vấn đề gì cần lưu ý thì đó là cần chặt chẽ hơn trong quản lý hoạt động mua chung, mua theo nhóm. Cần kiểm soát để đảm bảo hàng bán khuyến mãi, hạ giá đảm bảo chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, phòng ngừa trường hợp bán rẻ đối với hàng kém chất lượng, hết date, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Vinh Phú, “cái gì liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng thì nên thận trọng, vì nó là quyền lợi chính đáng. Việc "tuýt còi" ngay lập tức là cứng nhắc.
Theo tôi, các cơ quan có liên quan cần ngồi lại, bàn bạc nhanh để tìm cách tháo gỡ cho vấn đề này. Không nên tuýt còi cấm hẳn, không tạo cú sốc cho DN, khách hàng”.
Còn theo TS. Vũ Đặng Hải Yến, các doanh nghiệp nhỏ chiếm thị phần dưới 30% nếu bán phá giá nhằm lọai bỏ đối thủ cạnh tranh vẫn có thể bị coi là phạm luật. Nếu hành vi bán dưới giá đó kéo dài, không có chiến lược cụ thể, không có kế hoạch bù lỗ có thể chấp nhận được về mặt kinh tế và hành vi đó hướng đến đối thủ cạnh tranh cụ thể nhằm loại bỏ. Đó được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh cản trở đối thủ cạnh tranh quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004.
Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh vẫn cho phép một số trường hợp được phép bán hàng hóa, cung ứng dịch dưới giá thành toàn bộ. Điều này được quy định tại Điều 23 Nghị định 116/2005.
Theo đó, đối với những hoạt động hạ giá bán hàng hóa tươi sống; Hạ giá bán hàng hoá tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; Hạ giá bán hàng hoá theo mùa vụ; Hạ giá bán hàng hoá trong chương trình khuyến mại theo quy định của pháp luật; Hạ giá bán hàng hoá trong trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa điểm, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh…
“Như vậy nếu doanh nghiệp muốn thu hồi vốn, họ chấp nhận bán lỗ, bán tháo sản phẩm dịch vụ, khuyến mãi lớn, để thu hồi vốn, mà thuộc một trong những trường hợp như trên thì không bị coi là phạm luật”, TS Vũ Đặng Hải Yến nhận định.
Hương Giang
Bài sau: Có dẹp hết khuyến mãi khủng? Cục Xúc tiến nợ câu trả lời.