Nhọc nhằn đường lên "cổng trời" gieo chữ
Đường vào điểm trường Cư Pui 2 |
Đường lên cổng trời
Điểm trường thôn Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) nằm cách xa trung tâm xã hơn 20km. Nơi đây, người dân thường gọi với cái tên “Cổng trời” vì có đoạn dốc vừa cao chót vót vừa gấp khúc nằm trên dãy núi Ea Lang.
Năm học 2017-2018, điểm trường Ea Rớt có 6 lớp bậc tiểu học với 158 học sinh, tất cả các em đều là người dân tộc thiểu số. Tại đây, có 6 cô giáo được phân công về giảng dạy, tuổi đời các cô còn rất trẻ, có những cô mới ra trường và hầu hết gia đình đều ở xa.
Giáo viên và cả học sinh cũng phải đi bè qua sông. |
Nhà xa, đường khó, đi lại vừa vất vả, vừa nguy hiểm nhưng một số giáo viên vẫn phải chấp nhận cảnh sáng lên lớp, chiều về nhà vì họ còn con nhỏ.
Điển hình như trường hợp của cô Nguyễn Thị Liễu (giáo viên lớp 4C, ngụ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Do con gái của cô chưa đầy một tuổi nên cứ khoảng 4h sáng mỗi ngày, cô phải thức dậy để chuẩn bị đến lớp. Khi tiết học cuối vừa tan, cô Liễu cũng lật đật lên xe trở về nhà để chăm sóc con cái.
Điều đáng nói, mỗi ngày cô Liễu phải đi qua 5km đường đồi, tiếp đó phải lên bè của người dân địa phương để qua sông mới tới được trường. Đặc biệt, vào những hôm trời mưa, đường trơn trượt, cô phải gửi xe, lội bộ một quãng đường dài.
Trên quãng đường đó, không ít lần cô bị té, quần áo lấm lem vì bùn đất. Thế nhưng, những khó khăn, gian khổ ấy không ngăn cản được trái tim nhiệt thành của cô đối với trường với lớp, với các em học sinh người dân tộc thiểu số đang “khát chữ”.
Cô Liễu chia sẻ: “Có hôm em phải mất 2 tiếng đồng hồ, té lên té xuống mới đẩy được xe máy ra đến đường bê tông. Vất vả, cực khổ, nhiều lúc em chực khóc vì xe kẹt lại giữa đoạn đường sình lầy.
Thế nhưng em không nản chí, cứ nghĩ tới các em học sinh đang chờ mình lên lớp, nghĩ tới những đồng nghiệp khác cũng đang vật lộn với con đường lầy lội như mình để đến trường, em lại gạt qua tất cả khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên dạy lớp 2, ngụ huyện Krông Năng), dù nhà cách trường hơn 50km, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Thế nhưng, mỗi ngày cô Trang đều phải chạy xe đi về vì còn con nhỏ mới tròn 1 tuổi.
Tình người trong gian khó
Toàn bộ các em học sinh nơi đây đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. |
Ngoài việc hoàn thành tốt công tác giảng dạy do cấp trên giao, các giáo viên tại điểm trường Ea Rớt sống với nhau như chị em một nhà. Bởi lẽ, những khó khăn, thách thức phải đối mặt hàng ngày đã giúp các giáo viên nơi đây đồng cảm, chia sẻ và xích lại gần với nhau hơn.
Ngoài những buổi đứng lớp truyền dạy con chữ cho học trò, các giáo viên tại điểm trường Ea Rớt cũng thường xuyên trao đổi với nhau về nghiệp vụ, động viên nhau chuyện gia đình và cùng nhau vượt qua những khó khăn hàng ngày phải đối mặt.
Theo ông Vũ Đình Tùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, mặc dù đường sá đi lại rất khó khăn, vất vả nhưng đa số các giáo viên ở điểm trường Ea Rớt đều là giáo viên họp đồng nên chưa được hưởng chế độ vùng 3. Bên cạnh đó, 6 giáo viên dạy ở đây nhưng chỉ có một phòng để sinh hoạt tạm bợ.
Cũng theo ông Tùng, do điều kiện tại điểm trường thiếu thốn nên vừa qua lãnh đạo trường đã đề xuất xin 100 bộ bàn ghế cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng mong muốn xây đựng được nhà công vụ cho các cô để lấy chỗ che mưa, che nắng.
Cũng với vấn đề trên, ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Krông Bông cho biết, trong thời gian tới, Phòng sẽ làm việc với Sở Nội vụ để xin thêm biên chế mầm non, tiểu học nhằm khắc phục sỉ số đông học sinh của các lớp. Đặc biệt, nhà trường và Phòng Giáo dục & Đào tạo rất mong cấp trên quan tâm, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở để các cô an tâm công tác.