Nhìn lại 7 thập niên phát triển
Việt Nam sau ngày Tuyên bố độc lập, cần thêm 30 năm trường kỳ kháng chiến thống nhất non sông; thêm hơn 10 năm xung đột biên giới và bị bao vây cấm vận. Tuy nhiên, chỉ qua 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến dài khiến cả thế giới phải nể phục.
Việt Nam đang tăng trưởng liên tục
Đánh giá thành tựu kinh tế - xã hội 70 năm qua tại lễ khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, triển lãm nhằm giới thiệu những kết quả phấn đấu của nhân dân Việt Nam với sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của bè bạn khắp năm châu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước trong 70 năm qua. Phó Thủ tướng đã điểm lại những mốc son lịch sử kể từ tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên theo thể chế cộng hoà, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lấy mốc Đổi mới đất nước từ năm 1986, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chỉ số liên quan tới con người, tới an sinh xã hội của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước có cùng trình độ phát triển, cùng thu nhập đầu người. Nền kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế khép kín, tập trung quan liêu bao cấp đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỉ USD gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tính đến 2015, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 nền kinh tế với gần 20.000 dự án FDI và số vốn đầu tư gần 300 tỉ USD.
Trong khu vực, kinh tế Việt Nam tuy có xuất phát điểm thấp hơn các nước do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng qua 30 năm Đổi mới và thời gian tăng trưởng thực sự chỉ khoảng 20 năm (tính từ năm 1995 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN và hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực –PV). Ở bất cứ tổ chức nào của các cơ chế hợp tác khu vực, thế giới và của Liên Hợp Quốc, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong hơn 20 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức bình quân cao hơn nhiều nước và đứng thứ hai thế giới. Ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế 2013-2015, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và rất đáng tự hào.
Nhưng cần đi nhanh hơn
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khoảng cách phát triển của Việt Nam so với khu vực và thế giới vẫn còn rất lớn. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn. Văn hóa xã hội, đạo đức lối sống... xuất hiện không ít biểu hiện không phù hợp. Vì vậy, cần phải thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa để nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; để mọi người Việt Nam được sống trong một cuộc sống tự do, hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, một xã hội nhân hòa, an bình và tràn ngập yêu thương; để các nét đẹp, các giá trị văn hóa Việt được tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Thời gian Việt Nam được hưởng hòa bình trọn vẹn và xây dựng đất nước trong 70 năm qua là chưa dài. Nhưng với ý chí và bản lĩnh Việt Nam, chúng ta có thể tiến xa, tiến nhanh hơn nữa. |
Thực tế, thời gian Việt Nam được hưởng hòa bình trọn vẹn và xây dựng đất nước trong 70 năm qua là chưa dài. Nhưng với ý chí và bản lĩnh Việt Nam, chúng ta có thể tiến xa, tiến nhanh hơn nữa. Mỗi người dân Việt Nam ai ai cũng còn nhớ câu nói nổi tiếng của Bác Hồ ngày 17/6/1966, được trích từ “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc năm 1965 là: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Lời kêu gọi 17/7/1966 đã toát lên ý chí Việt Nam, tinh thần Việt Nam, văn hoá Việt Nam và dòng chảy bất tận của nó. Việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh đang được Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân chung tay gắng sức, đồng lòng vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng căn dặn.
“Cần khơi dậy, cổ vũ, khuyến khích sức sáng tạo của toàn xã hội. Cần nhận diện và tháo gỡ những rào cản đối với việc phát huy mọi nguồn lực để phục vụ phát triển. Kinh tế Việt Nam cần đi nhanh hơn nữa, có những bước tiến dài, chắc chắn và bền vững. Tất cả vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước các thế hệ cha anh và đối với thế hệ tương lai thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta quyết đồng sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần gìn giữ, kiến tạo hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội Tối 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội có sự tham gia của 27 Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương; 27 tỉnh, thành phố và 12 gian hàng của khối doanh nghiệp trên diện tích 12.000m2 trưng bày trong nhà và 3.000m2 trưng bày ngoài trời. 80 gian trưng bày được chia thành 4 mảng nội dung lớn: Khu trưng bày khái quát; Khu trưng bày của các Bộ, ngành, đoàn thể; Khu trưng bày của các tỉnh, thành và Khu trưng bày của các doanh nghiệp. Mỗi khu trưng bày được thể hiện bằng những mảng, khối với tư liệu là những hình ảnh, hiện vật, thước phim... phong phú và sống động, góp phần khẳng định, tôn vinh những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật của đất nước trong 70 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Ngoài nội dung trưng bày, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, giới thiệu các dự án, công trình tiêu biểu hoặc các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… của Bộ, ngành, địa phương mình. Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội 2015 sẽ diễn ra từ ngày 28/8 đến 3/9. |