Nhiều mẹ Việt tối ngày nhồi ép con tăng cân mà quên mất "chỉ số vàng" chiều cao
Phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em trên thế giới nhưng từ 3 tuổi trở đi thì chiều cao trẻ em nước ta bị trẻ em thế giới bỏ xa.
Quá quan tâm cân nặng
Trẻ em có hai giai đoạn phát triển thể chất vượt trội là giai đoạn 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tuổi dậy thì. Hai giai đoạn này nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có môi trường sống lành mạnh thì sẽ đạt được chiều cao tối ưu.
1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
Theo TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học và ứng dụng Việt Nam, hiện nay có nhiều bà mẹ quá chú trọng vào cân nặng của trẻ là một thiếu sót. Khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ cân nặng chỉ phản ánh tình trạng nhất thời còn chiều cao là chỉ số “trung thực” và quan trọng hơn cân nặng. Bác sĩ cần phải phối hợp với chiều cao để quyết định trong dài hạn con có tăng trưởng tốt không.
Có nhiều đứa trẻ với cơ thể béo phì, thừa cân nhưng thực chất những đứa bé này vẫn có thể bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân có thể do thiếu cân đối khẩu phần ăn của trẻ, nếu cho bé ăn nhiều chất đạm, béo, đường và thiếu vitamin D và canxi, sắt, kẽm… sẽ làm cho trẻ bị còi xương, xương khớp yếu, khả năng vận động kém, trẻ không được vận động thường xuyên dẫn đến thừa cân nhưng lại thiếu chất giúp hệ xương phát triển.
Ảnh minh họa |
Cách giúp trẻ phát triển chiều cao
TS Trương Hồng Sơn nêu 5 yếu tố quyết định chiều cao của trẻ em:
Thứ nhất: Yếu tố gen là yếu tố chiếm vai trò quan trọng và chỉ có thể thay đổi qua nhiều thế hệ,
Thứ hai: Yếu tố giới tính
Thứ ba: Yếu tố dinh dưỡng là yếu tố chiếm vai trò quan trọng thứ 3 nhưng đây là yếu tố có thể can thiệp được nhằm tối ưu chiều cao được quy định bởi yếu tố gen. Ví dụ 1 ông bố có chiều cao 164,4 và bà mẹ 153,6 nếu sinh con trai thì có thể có tầm vóc khi trưởng thành trong khoảng từ 165,5 đến 171,7 cm. Trẻ phát triển chiều cao tối thiểu hay tối đa trong khoảng đó phần lớn là do dinh dưỡng quyết định.
Thứ tư: Yếu tố thứ 4 là các hoạt động thể lực và giấc ngủ.
Thứ năm: Yếu tố thứ 5 đối với phát triển tầm vóc là yếu tố môi trường hoặc bệnh tật. Nếu trẻ hay mắc bệnh, dùng nhiều các loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh thì tầm vóc cũng bị hạn chế.
Vậy nên gen là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả đến chiều cao tương lai của trẻ. Với một chế độ dinh dưỡng, tập luyện nghỉ ngơi hợp lý cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển chiều cao tối ưu.
TS Sơn cho biết có một ví dụ so sánh thú vị ở thế kỷ 18 và 19, nước Mỹ là nơi có nhiều người cao nhất thế giới. Nhưng hiện nay, người Hà Lan là những người cao nhất thế giới. Tại sao người Mỹ lại có cú trượt dài về tầm vóc như vậy? Theo các chuyên gia nguyên nhân là bởi người Mỹ không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thiếu hụt dinh dưỡng do ăn quá nhiều đường và chất béo mà không ăn đủ rau quả và trái cây.
Khi trưởng thành cao gấp đôi lúc 2 tuổi có đúng không?
TS Trương Hồng Sơn cho biết có thông tin cho rằng chiều cao của những trẻ 2 tuổi khi nhân đôi lên sẽ là chiều cao lúc trưởng thành của bé nhưng điều này chỉ mang tính tượng trưng và không phải chính xác với tất cả.
Trẻ em có 2 giai đoạn phát triển chiều cao chính đó là giai đoạn 1000 ngày đầu đời và giai đoạn dậy thì. Vẫn có những trẻ thấp còi lúc nhỏ và phát triển chiều cao vượt trội khi dậy thì, và ngược lại có những bé hoàn toàn ngừng phát triển chiều cao ở giai đoạn 14 - 15 tuổi. Vì thế, việc bé 2 tuổi cao bao nhiêu sẽ không phải là căn cứ chính xác để dự đoán chiều cao của khi khôn lớn.
Khánh Chi