Mẹ chăm mua thực phẩm chức năng, nhỏ vitamin D vô tội vạ khiến con lãnh hậu quả
Nhiều bà mẹ tin rằng bổ sung vitamin D là cần thiết để con có thể phát triển chiều cao, thể chất mà không biết rằng thừa vitamin D cũng nguy hiểm chẳng kém gì thiếu.
Sai lầm của mẹ chăm tẩm bổ cho con
Bé N.Đ.L. 2 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải đi khám vì quá lười ăn, còi cọc. Sau khi thăm khám, xét nghiệm các chỉ số dinh dưỡng, bác sĩ chẩn đoán cháu bị thừa vitamin D. quá nhiều. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới việc cháu lười ăn.
Chị Đặng Thu Thủy - mẹ của cháu L. cho biết, từ khi cháu chào đời, nghe lời bác sĩ dặn phải cho con uống vitamin D mỗi ngày nên dù bận bịu chị vẫn cố nhỏ vitamin D cho con.
Không chỉ nhỏ vitamin D, thấy bạn bè bán thực phẩm chức năng gì có công dụng tốt cho trẻ em là chị Thuỷ cũng mua về tẩm bổ cho con.
Tuy nhiên, càng tẩm bổ bé càng lười ăn, hay quấy khóc. Chị Thuỷ không muốn mang tiếng mẹ đoảng không biết chăm con nhưng thực sự chị đã hết cách vì bé L. “không còn thiếu thứ gì nữa”.
Bác sĩ cho rằng việc chị Thuỷ tự ý dùng cùng lúc các sản phẩm bổ sung vitamin cho bé đã khiến hàm lượng vitamin D cung cấp cho con vượt ngưỡng quy định. Thừa vitamin D gây ra hiện tượng chán ăn, mệt mỏi của trẻ.
Không nên tự ý mua và sử dụng các loại thực phẩm chức năng (Ảnh minh họa) |
Tương tự, chị Đỗ Thị Kim Anh (Cầu Diễn, Hà Nội) than thở bé Nấm nhà chị 15 tháng tuổi nhưng không thích ăn gì. Khi đi khám dinh dưỡng bác sĩ cho biết bé còi xương, thừa vitamin D do chị tẩm bổ quá đà.
Chị Kim Anh kể từ khi có Nấm chị rất chịu khó tham gia vào các diễn đàn của mẹ bỉm sữa. Hễ đọc các chia sẻ kinh nghiệm chăm con hay là chị lượm lặt lại thành "bộ bí quyết" cho mình.
Cứ tưởng chăm con hoàn hảo, chị không ngờ nhận được biến chứng nhiều hơn hiệu quả. Bé Nấm cả ngày không hứng thú ăn uống, ngủ hay giật mình, mồ hôi trộm, khóc đêm.
Thừa vitamin D nguy hiểm như thế nào?
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết trường hợp của bé L. và bé Nấm không phải là hiếm gặp, có nhiều trường hợp trẻ được mẹ đưa đến khám vì lười ăn, còi cọc, quấy khóc dù mẹ khẳng định thường xuyên bổ sung chất này, chất kia.
Theo BS Hưng, việc tự ý bổ sung các vi chất thông qua các loại thực phẩm chức năng là một sai lầm mà nhiều bà mẹ mắc phải.
Trẻ cần được bác sĩ tư vấn, làm các xét nghiệm xem trẻ thiếu chất gì thì bổ sung chất đó chứ không thể tùy ý cho uống.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, khuyến nghị bổ sung vitamin D không khác nhau nhiều về tuổi, giới. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D nói riêng và các vitamin nói chung cần có chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi vì việc bổ sung này tùy thuộc theo từng trường hợp cụ thể với chiều cao, cân nặng, số tuổi... Thừa hay thiếu vitamin D cũng có thể dẫn đến những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.
Vitamin D thúc đẩy việc hấp thụ, chuyển hóa chất canxi và phốt pho trong cơ thể. Khi thiếu vitamin D sẽ gây ra nhiều khiếm khuyết thể chất, tinh thần, nhưng nếu thừa vitamin D lại gây biến chứng như làm tăng canxi trong máu khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, khát nước và tiểu nhiều, thậm chí có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp.
Thông qua xét nghiệm máu, hàm lượng 25(OH)D là phù hợp cho cơ thể.
Nhu cầu vitamin D ở trẻ < 1 tuổi là 400 IU/ngày, ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành < 50 tuổi là 600 IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ ngày.
Khánh Chi