Nhặt phế liệu từ lớp 1, ba anh em chinh phục con đường học vấn
Đến xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hỏi thăm gia đình ba anh em Bùi Văn Lượng (SN 1991), Bùi Văn Điền (SN 1994), Bùi Thị Diện (SN 1997) không ai là không biết. Sinh ra trong một gia đình khó khăn nhưng ba em lại nổi tiếng trong xã không chỉ bởi tính tình ngoan ngoãn, chăm chỉ, mà còn là tấm gương vượt khó và hiếu học.
Hiện nay, ba anh em đều đang theo học ở Hà Nội. Người anh trai Bùi Văn Lượng hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Xây dựng, Điền là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, em gái Bùi Thị Diện đang theo học trường THPT chuyên Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài việc đồng ruộng, ông Bùi Văn Lực còn tranh thủ đi bán xoong, nồi. Mỗi tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng/Ảnh VTV |
Mẹ bị tai biến, bố bị thận
Không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của ba anh em Lượng, Điền và Diện gắn liền với những bữa cơm chỉ có cơm chan nước mắm, với những ngày rong ruổi trên khắp các con đường nhặt từng chai nhựa đem về bán lấy tiền đưa cho mẹ đong gạo.
Theo lời kể của Lượng, năm 1996, biến cố xảy đến với gia đình em khi mẹ bị tai biến mạch máu não. Năm 1998 căn bệnh ngày một nặng hơn khiến mẹ em liệt nửa người.
Từ khi mẹ ốm, cuộc sống gia đình em hoàn toàn đảo lộn. Vay mượn được tiền từ anh em bạn bè bố em lại bền bỉ đưa mẹ chạy chữa khắp nơi. Tài sản trong nhà có gì đáng giá đều được bán đi để lấy tiền chạy chữa cho mẹ.
Thế rồi biến cố lại một lần nữa ập đến gia đình em, khi di chứng từ căn bệnh tai biến mạch máu não của mẹ chưa phục hồi hoàn toàn thì bố em – người lao động chính trong nhà đổ bệnh. Căn bệnh suy thận khiến bố em phải chạy chữa thuốc thang từng bữa. Mỗi một lần chạy thận, gia đình em lại phải đi vay mượn để có tiền điều trị bệnh.
Trong ký ức của Lượng, có lẽ điều khiến ba anh em nhớ nhất là những bữa cơm trắng chỉ có nước mắm ăn kèm nhưng lúc đó cả nhà đều vui vẻ: “Ngày đó, bữa cơm của gia đình thường là ăn cơm chan với nước mắm, hôm nào được ăn cơm rang thì ba anh em đứa nào cũng thích”, người anh cả Bùi Văn Lượng tâm sự.
12 năm liền Bùi Văn Điền đều là học sinh giỏi của trường |
Nhặt phế liệu từ lớp 1 đến lớp 9
Những ngày mẹ ốm, Lượng ở nhà trông nom các em, đỡ đần mẹ. Học đến lớp 7, sức khỏe của mẹ dần ổn định, có thể làm được việc nhà, ngoài thời gian học trên lớp, Bùi Văn Lượng còn tranh thủ đi bán kem lấy tiền đóng học phí. Lên cấp 3, Lượng đi phụ hồ, rồi đi chở đất thuê lấy tiền. Với mỗi ngày phụ hồ Lượng nhận được 70 nghìn/ngày công, chở đất thuê 30 nghìn/ngày.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn nữa là người con trai lớn trong nhà nên đã có lúc Lượng muốn bỏ ngang con đường học hành để lao vào công việc, đỡ đần bố mẹ và các em. Tuy nhiên, mỗi lần như thế, bố mẹ, thầy cô lại động viên em cố gắng.
“Lúc đó bố em đang làm thuê trong Sài Gòn, mẹ thì bệnh nên ông ngoại là người thường xuyên đi họp phụ huynh cho em. Biết ý định nghỉ học của em nên cô thông báo với ông ngoại. Mỗi lần như thế, cả gia đình lại động viên em cố gắng học tập”, Lượng cho biết.
Ngày Lượng nhận giấy báo nhập học trường Đại học Xây dựng cũng là ngày em nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt rạng rỡ của cả bố và mẹ. Để rồi em có thêm động lực, thêm ước mơ và hoài bão khăn gói lên Hà Nội nhập học.
Hai anh emBùi Văn Lượng (bên phải) và Bùi Văn Điền |
Kể về người em trai của mình, Lượng ngập ngừng một hồi rồi cho biết. Điền sớm cơ cực từ nhỏ, ngay từ học kỳ hai lớp 1 Điền đã theo anh trai đi nhặt phế liệu. Ngày nào cũng thế, sáng Điền đến trường, chiều về lại xách theo cái bao, em đi khắp nơi. Khi thì sang thị trấn, khi thì Nguyên Xá, có lúc đạp xe đến tận cầu Nghìn – nơi giáp ranh với Hải Phòng để nhặt.
Lớn hơn một chút, Điền đi làm cơ khí cho xưởng cơ khí gần nhà, rồi đi chở đất thuê lấy tiền đỡ mẹ: “Lên cấp 3 Điền xin đi làm cơ khí, rất nhiều lần em đi làm với cái bụng rỗng mà phải bê một tảng sắt 5 tạ chỉ với 4 người. Thương em mà không biết làm gì ngoài việc động viên nhau cố gắng hơn trong học tập”, Lượng tâm sự.
Cô em gái út Bùi Thị Diện đang theo học cấp 3, trường THPT Đống Đa, Hà Nội. 11 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Hai năm học vừa rồi Bùi Thị Diện đều nằm trong danh sách thi học sinh giỏi và được nhận học bổng của trường.
Trong suốt những năm học phổ thông ba anh em luôn là những người con ngoan của gia đình. Riêng Điền là một lớp trưởng gương mẫu, 12 năm liền là học sinh giỏi, đến năm cấp 3 em thôi không giữ chức với lý do... muốn giành thời gian đi làm thêm nhiều hơn. Năm học vừa qua Điền thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường Đại học quốc gia và được nhận học bổng của trường. Năm 2014, em tiếp tục đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội.
Ngoài thời gian học trên lớp, hai anh em Lượng và Điền đều tranh thủ đi làm thêm. Ngay từ năm nhất đại học, người anh cả Bùi Văn Lượng đã đi bưng bê trong nhà hàng, đi gia sư, khi thì làm công việc sơn tường nhà, hay đi phụ lắp ráp dây cáp điện.
Còn đối với Điền, hiện tại em đang đi dạy gia sư. Điền tâm sự: “Khi vào cao điểm, có tuần em dạy đến 5 buổi, còn bình thường em dạy 2 buổi/tuần. Nhờ có việc làm thêm mà lâu rồi em chưa xin tiền bố mẹ”.
Hiện nay, mẹ của ba anh em đã có thể đi lại và làm việc tại một cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên, di chứng của căn bệnh tai biến khiến mẹ không còn nhanh nhẹn, khôn ngoan. Mẹ chỉ có thể làm những công việc chân tay, có tính chất lặp đi lặp lại. Còn bố vẫn túc tắc đạp xe quanh làng rao bán bán xoong nồi. Nói về mong ước sau này, hai anh em Lượng và Điền mong muốn bố mẹ mạnh khỏe để các em có thể yên tâm học tập.
“Bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe và yên tâm về chúng con, chúng con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể đền đáp công lao to lớn của bố mẹ”, Bùi Văn Điền chia sẻ.