Nhập hàng nước ngoài về cắt mác dán nhãn Made in VN: Chúng ta đang tự giết chúng ta!
Tại hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức ngày 15/11 mới đây, TS Tô Hoài Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho rằng 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt' đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Sau nghi án nhập hàng Trung Quốc về cắt mác, Seven. am đã đóng loạt cửa hàng tại Hà Nội |
Sau 10 năm triển khai cuộc vận động, đã có 67% người Việt xác định mua hàng Việt, 52% khuyên người thân mua hàng Việt và 36% chuyển từ hàng ngoại sang hàng Việt. Đáng nói, trong khi hàng Việt đang dần chinh phục người Việt thì có tình trạng giả nhãn mác Việt Nam.
“Vừa qua có câu chuyện nhãn hàng Việt Nam nhưng không phải của Việt Nam sản xuất vì vậy rất cần sự vào cuộc kiểm tra, coi đó là công cụ bảo vệ hàng Việt. Hiện nay công tác kiểm tra thị trường rất quan trọng, hàng Việt đến giờ phút này phải có công cụ để bảo vệ nó, đó là quản lý thị trường, chính là các cơ quan quản lý”, TS. Tô Hoài Nam nói.
Theo ông, mang tên là hàng Việt nhưng lại nhập hàng nước khác về cắt mác thì rõ ràng là bất lợi cho hàng Việt, phải nghiêm túc xử lý nếu không sẽ không phát triển được hàng Việt.
Đối với doanh nghiệp nhập hàng về, vì tham lợi trước mắt nhưng hại chính doanh nghiệp mình, mọi việc đều đi xuống. Không những thế, nó còn gây hại cho một nhóm hàng của Việt Nam, ảnh hưởng đến hệ thống uy tín sản xuất hàng hóa của Việt Nam.
“Phải tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát, vai trò của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thông minh là người không chấp nhận sự giả dối, khi phát hiện ra phải báo cơ quan chức năng ngay, đối với dư luận và cơ quan truyền thông cũng vậy, nhìn thấy nó phải phê phán ngay, có tổng lực như vậy chúng ta mới giải quyết được”, ông Nam nói.
Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp Việt vì lợi ích nhỏ mà nhập hàng hóa nước ngoài về cắt nhãn mác chính là chúng ta tự giết chúng ta.
“Cả thế giới đã tẩy chay từ trước rồi. Vì thế vai trò của Nhà nước là phải chống gian lận thương mại, đặc biệt là kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa, kiểm soát liên tục việc tuân thủ của doanh nghiệp, chống gian lận thương mại, giả xuất xứ”, TS Sinh nhấn mạnh.
Bên cạnh việc giả mạo xuất xứ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME, cho rằng Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam.
“Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kỳ vọng như mong muốn”, ông Thân nêu vấn đề.
Theo ông, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển thị trường bán lẻ nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao…