Nhân viên làm trực tuyến ở Mỹ sợ mất việc trong thời kỳ khủng hoảng
Cụ thể, gần 75% người được hỏi cho rằng chủ công ty nên trả lương cho nhân viên đến văn phòng làm việc nhiều hơn so với đồng nghiệp trực tuyến.
Đồng thời, Bloomberg trích dẫn dữ liệu của công ty tuyển dụng GoodHire cho hay, 2/3 trong số những người được khảo sát lo ngại các nhà quản lý coi nhân viên trực tuyến là lười biếng hơn
Một điều thú vị nữa là 1/3 trong số 3.500 người được hỏi đã sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại hoặc tương đương để bắt đầu tìm kiếm một công việc mới nếu họ bị buộc phải quay lại văn phòng làm việc.
Tuy nhiên, số lượng các câu trả lời như vậy đã giảm so với năm ngoái, cho thấy áp lực ngày càng tăng ở nơi làm việc, với đa số tin rằng nhân viên làm việc tại nhà sẽ có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn trong thời kỳ kinh tế suy thoái.
Theo Bloomberg, cả 2 loại hình làm việc đều đồng ý về điểm rất quan trọng rằng làm việc từ xa có thể cản trở sự phát triển nghề nghiệp: khoảng 6/10 người được hỏi bày tỏ lo sợ họ sẽ bị loại khỏi các dự án hoặc cuộc họp quan trọng của nhóm nếu họ không thường xuyên có mặt tại văn phòng.
“Cả 2 loại hình làm việc đều có chung ý tưởng rằng nhân viên văn phòng sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội nghề nghiệp hơn so với những người làm việc từ xa… Có dữ liệu trong cuộc khảo sát cho thấy có khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nhóm này”, Bloomberg trích lời Max Wesman, Giám đốc điều hành của GoodHire.
Bloomberg cho rằng, nhiều tập đoàn, đặc biệt là các ngân hàng và tổ chức tài chính, đã có quan điểm tương đối cứng rắn trong vấn đề đưa nhân viên trở lại văn phòng, ít nhất là cho một công việc bán thời gian.
Nhưng rõ ràng là nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, vẫn làm việc từ xa, ít nhất vài ngày một tuần, và do đó sẽ mất nhiều thời gian để từ bỏ hoàn toàn công việc từ xa.
Dữ liệu mới cho thấy số người Mỹ làm việc từ xa trong năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm 2019 và xu hướng này tiếp tục duy trì trong năm nay ngay cả nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.
Theo đó, trong năm 2021, có 27,6 triệu người lao động Mỹ chủ yếu làm việc tại nhà trên toàn quốc, tăng từ 9 triệu vào năm 2019.
Như vậy, có khoảng 17,9% trong tổng lực lượng lao động Mỹ chủ yếu làm việc từ xa trong năm 2021, so với 5,7% vào năm 2019. Phần lớn trong số lao động từ xa này là lao động trí thức.
Trong khi đó, đối với những nghề liên quan đến tương tác trực tiếp với khách hàng hoặc vận hành máy móc, làm việc từ xa không phải là một lựa chọn.
Nghiên cứu của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát khác cho thấy xu hướng làm việc từ xa vẫn duy trì trong năm 2022, bất chấp nền kinh tế Mỹ đã mở cửa hoàn toàn sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã lắng xuống.
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế ở Viện Công nghệ tự chủ Mexico (ITAM), Đại học Stanford và Đại học Chicago, 30% số ngày làm việc ở Mỹ trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8-2022 là làm việc từ xa, so với chưa đến 5% hồi trước đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ đó đã giảm đều đặn kể từ tháng 5 năm 2020, khi hơn 60% số ngày làm việc là từ xa. Tuy nhiên, con số này đã duy trì ổn định kể từ mùa xuân năm 2022 bất chấp nhiều doanh nghiệp mở các đợt tuyển dụng lớn nhằm thu hút nhân viên làm việc tại văn phòng thường xuyên hơn.
Thanh Bình (lược dịch)