Nhà trường, Sở GD&ĐT Lạng Sơn vào cuộc vụ nữ sinh đánh nhau vì tình
Mới đây, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền một đoạn clip 2 nữ sinh mâu thuẫn, ẩu đả và hình ảnh trong đoạn clip được cho là xảy ra vào ngày 18/4. Hai nữ sinh trong clip này nhanh chóng được xác định là học sinh đang theo học tại trường THPT chuyên Chu Văn An và trường THPT Việt Bắc thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Hai nữ sinh đánh nhau chỉ vì ghen. |
PV Infonet có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Bà Châu xác nhận có vụ việc xảy ra trên địa bàn và hiện bà đang làm việc với các hiệu trưởng: "Khi nắm được thông tin, chúng tôi đã họp khẩn cấp với nhóm học sinh có mặt tại hiện trường. Đến chiều 18/4, chúng tôi đã nhận được tờ trình từ các trường.
Lý do dẫn đến sự việc trên là có một cậu học sinh lớp 11 của trường THPT Việt Bắc đang yêu cô gái (tên là H. Q.) cùng khối 11 trường này. Nhưng sau một thời gian yêu nhau, cậu con trai này lại không yêu H.Q. nữa mà yêu một cô gái khác ở trường THPT chuyên Chu Văn An. Vì vậy, em H.Q. ghen quá rồi hẹn cô gái kia gặp mặt và có những lời cãi vã, xô xát, đánh nhau.
Trước đó, các cháu chỉ là xô xát nhẹ, chưa đến mức đánh nhau nhưng có túm tóc, giật tóc. Nhưng thời điểm đó, đã có người lớn can ngăn, sau các cháu lại hẹn nhau ra đèo Giang Văn Vỉ (TP Lạng Sơn), rồi xô xát trên đó. Có 3 em đang theo học khối lớp 11 của 2 trường, 2 em đã được bố mẹ đưa vào bệnh viện kiểm tra chụp chiếu và chỉ bị xây xát mặt, không nguy hại đến cơ thể”.
Theo bà Châu, trong một thời gian khá dài, kể từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra ẩu đả giữa các học sinh và các nhóm học sinh với nhau.
Ông Đặng Hồng Cường – Hiệu trưởng trường THPT Việt Bắc (Lạng Sơn) cho biết: “Đến lúc này, nhà trường đang phối hợp với trường THPT Chu Văn An và các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý, xem xét mức độ vi phạm của từng học sinh.
Các em đang viết tường trình sự việc. Khi xác định được mức độ vi phạm, nhà trường sẽ dựa vào nội quy, quy chế của Bộ GD để xử lý, các hình thức xử lý chủ yếu là răn đe, vừa đảm bảo tính nhắc nhở, vừa mang tính giáo dục học sinh và không để sự việc tiếp diễn”.