Nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản: Lỗ hổng cho tội phạm rửa tiền !
Ảnh minh họa |
Nhằm tạo thuận lợi và tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán (TTCK), Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán trong đó cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và cho phép mua bán chứng khoán trong một ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là điều kiện thuận lợi để gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, nhất là đối với hoạt động rửa tiền.
Quy định này được cho là nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường và cũng cũng hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi trước khi có quy định này, nhà đầu tư lách luật bằng cách mượn tên người khác để mở nhiều tài khoản, thậm chí là nhà đầu tư dùng một chứng minh thư mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau, nhưng cơ quan quản lý không thể kiểm soát được.
Cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư, môi trường đầu tư thân thiện, cởi mở đã thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Số lượng các nhà đầu tư tham gia TTCK ngày càng đông đảo. Tính đến đầu năm 2014, TTCK đã có 1.282.831 nhà đầu tư trong nước, 17.169 nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tham gia thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Xuân Anh (Học viện Ngân hàng) thì, những con số nêu trên cũng cho thấy thực trạng cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam còn chưa hoàn thiện với số lượng chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân. Điều này dẫn đến hoạt động của thị trường kém chuyên nghiệp và bài bản, đồng thời việc quản lý giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân cũng khó khăn hơn so với kiểm soát và giám sát giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức, dẫn đến nguy cơ tạo lỗ hổng cho hoạt động rửa tiền.
Theo đó, vấn đề mở và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng chưa được quản lý chặt chẽ. Với khoảng 1,3 triệu tài khoản hiện nay, số lượng tài khoản ảo không phải là ít.
Đặc biệt, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong giai đoạn năm 2011, khi TTCK có nhiều bất ổn, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở ra mà không có hoặc ít giao dịch chiếm từ 65 – 70% tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường.
Nguyên nhân là do các công ty chứng khoán mới chỉ chú trọng mở rộng số lượng tài khoản nhưng lại thiếu cơ chế quản lý hợp lý. Chính vì vậy, các tài khoản được mở ra với ít thông tin từ phía khách hàng, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng rửa tiền chuyển tiền qua các tài khoản giao dịch chứng khoán.
Nhất là việc quy định một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều coongty chứng khoán khác nhau sẽ thu hút tội phạm rửa tiền, mặc dù việc ủy quyền tài khoản đã chặt chẽ hơn nhưng sẽ vẫn có những lỗ hổng tội phạm rửa tiền có thể khai thác được.
Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán tăng cao
Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch hóa TTCK, đem lại sự công bằng cho thị trường, cho các nhà đầu tư, thì việc thực hiện quy định mới liên quan đến việc nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, được mua bán chứng khoán cùng phiên cũng làm gia tăng thêm các hành vi vi phạm trên TTCK.
Bằng chứng là, ngoài các vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công bố thông tin, nhiều công ty chứng khoán cũng bị xử phạt liên quan đến hoạt động margin, đặc biệt là số lượng nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt liên quan đến vi phạm giao dịch đang có xu hướng gia tăng.
Theo UBCKNN, chỉ trong gần 4 tháng đầu năm 2015, hàng chục cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực chứng khoán đã bị xử phạt, với số tiền hàng tỷ đồng, cho thấy mức vi phạm chứng khoán ngày càng nhiều. Riêng trong tháng 3/2015, UBCKNNđã ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với 07 tổ chức và 07 cá nhân do những vi phạm trong giao dịch và công bố thông tin.
Trước đó, năm 2014, UBCKNN đã ban hành tổng cộng 124 quyết định xử phạt, bao gồm xử phạt 32 cá nhân và 192 tổ chức, với tổng giá trị tiền phạt là 10,4 tỷ đồng. Trong đó, 50 trường hợp vi phạm của tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng; 2 trường hợp vi phạm giao dịch nội bộ, thao túng; 33 trường hợp vi phạm cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người có liên quan; 21 trường hợp vi phạm của CTCK; 12 trường hợp vi phạm của công ty quản lý quỹ; 03 trường hợp vi phạm của nhân viên tổ chức kinh doanh chứng khoán.