Nhà chống lũ chi phí rẻ, giúp người dân an toàn trong mưa lũ ở miền Trung
Các tỉnh miền Trung thường xuyên bị bão lũ hoành hành, hàng vạn ngôi nhà bị ngập nước, thậm chí bị cuốn trôi. Một mô hình nhà ở phù hợp cho người dân vùng lũ đã thực hiện tại một vài nơi rất cần được tiếp nghiên cứu và ứng dụng
PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – người đã có thiết kế đạt giải A tại một cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức) chia sẻ với PV phương án đơn giản, chi phí rất rẻ, phù hợp với những người dân vùng lũ có điều kiện không mấy dư dả.
Một công trình nhà chống lũ của PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường được người dân xây dựng ở thôn Phú Yên, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh người dân cung cấp) |
Theo đó, phương án ông đưa ra là xây một chòi độc lập bằng khung bê tông cốt thép ngay trong khuôn viên đất của gia đình. Khung có cấu tạo hình lập phương, kích thước 3m x 3m, chiều cao khoảng 3-3,5m; đặt chồng lên nhau thành khối 2 tầng. Theo tính toán, mức ngập lụt ở vùng Hương Khê (Hà Tĩnh) tối đa 3m nên chiều cao này là đảm bảo. Cột 15cm x 15cm bằng bê tông đúc sẵn.
Khung nhà đáp ứng mong muốn tối thiểu của ngôi nhà chống lũ lụt, hơn nữa nó không chỉ hữu dụng trong những đợt lũ lụt mà với ngày thường nó cũng là một thành phần của ngôi nhà, như để làm nhà kho, bếp, nhà tắm, quán nước...
Ở trên làm mái che, tùy theo điều kiện gia đình có thể làm rơm rạ, mái lợp có sẵn, lợp mái nilon, mái bạt.... Sàn của ngôi nhà có thể tận dụng ngay những dát giường ngày thường vẫn dùng, khi lụt lội mới mang lên.
Khi lũ lụt đến, mọi đồ đạc cần thiết có thể vận chuyển lên nhà khung. Cả người và gia súc có thể ở an toàn trong 7 đến 10 ngày. Chỉ cần khoảng hơn 10 triệu đồng là có thể xây dựng được một ngôi nhà theo mô hình này.
Phương án đạt giải A tại cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” của PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường và cộng sự đều có ý tưởng về nhà chống lũ hướng về miền Trung. |
Tùy từng điều kiện của mỗi người dân, có thể nâng mái, thêm tầng để tăng diện tích hoặc để tránh mực nước dâng bất thường so với đỉnh lũ lụt thường xuyên; có thể mở rộng không gian theo chiều sâu cũng như chiều rộng… Từ chiều cao cơ bản của khung nhà, trên thực tế có thể điều chỉnh cục bộ, tăng hoặc giảm cho phù hợp với mực nước ngập cao nhất.
Ông Cường cho biết, ông cũng đã hỗ trợ tiền và giúp một gia đình ở Hương Khê (Hà Tĩnh) dựng khung nhà theo thiết kế của mình để giúp họ tránh lũ.
Mô hình nhà chống lũ của PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường được người dân xây dựng ở thôn Phú Yên, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh người dân cung cấp) |
PV Infonet cũng đã liên hệ với gia đình bà Lê Thị Tuyết - ông Đinh Công Chính ở thôn Phú Yên (xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) để tìm hiểu thêm về hiệu quả thực tế của công trình nhà chống lũ.
Tuần trước, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn cùng với việc thuỷ điện Hố Hô xả lũ nên đã gây ngập cục bộ tại một số địa phương.
Một số xã như: Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Giang, Điền Mỹ, Hương Xuân, Hương Liên… đã bị ngập cục bộ, nước chảy xiết, giao thông bị chia cắt.
Bà Tuyết cho biết, mô hình nhà của PGS.TS KTS Phạm Hùng Cường đã giúp gia đình bà chống lũ rất hiệu quả. Từ thiết kế được ông Cường hỗ trợ, năm ngoái, gia đình bà Tuyết đã tích cóp thêm tiền và nâng cấp tăng chiều cao, nâng nền, xây thêm tầng, nới rộng ra và lợp mái tôn rất chắc chắn.
Chi phí xây dựng ngôi nhà chống lũ này ước chừng vài chục triệu đồng.
Bà Tuyết chia sẻ, mùa mưa bão năm nay cả gia đình bà yên tâm và an toàn, không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nhờ mô hình nhà chống lũ đơn giản này.
Minh Thư
Quảng Trị: Người dân Hải Lăng chật vật sống với lũ
Hơn 1 tuần qua, nước lũ gây ngập lụt khiến hàng ngàn hộ dân ở huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) phải sống chung với lũ. Cuộc sống người dân gặp khó khăn khi lương thực, thực phẩm dự trữ cạn kiệt, phải nhờ sự cứu trợ từ chính quyền....