Nguyên nhân khiến Trung và Đông Âu đối mặt với lạm phát tăng vọt
Theo tờ Le Monde của Pháp, các nước Trung và Đông Âu đang phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng mạnh.
Ấn phẩm của Pháp giải thích, nguyên nhân không chỉ là do giá năng lượng tăng nhanh mà còn do thiếu lao động ở các khu vực này, buộc các nhà tuyển dụng phải tăng lương cho nhân viên và do đó kéo theo chi phí cho hàng hóa dịch vụ.
“Trong vài tuần nay, cư dân Timisoara ở miền tây Romania đã bắt đầu một ngày mới với tâm trạng lo lắng khi chạm vào lò sưởi của họ”, Le Monde viết.
Theo đó, kể từ ngày 26/10, hơn 50.000 ngôi nhà, cũng như các trường học và bệnh viện thành phố đã bị rơi vào tình trạng thiếu hệ thống sưởi và nước nóng trong vài tuần.
Le Monde cho hay, giá năng lượng tăng mạnh đã dẫn đến thực tế là công ty sưởi ấm địa phương đứng trước bờ vực phá sản, do các nhà cung cấp khí đốt đóng cửa.
Sau đó, cư dân thành phố đã đấu tranh với các nhà cung cấp khác để cung cấp khí đốt và than cho nhà máy điện, nhưng những nguồn cung cấp này không đáng tin cậy.
Sau đại dịch Trung và Đông Âu đối mặt với lạm phát tăng vọt. (Ảnh: Pixabay) |
Theo Viện Thống kê Quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng của Romania đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Điều này phần lớn là do việc tăng thuế khí đốt (+46%).
Ở các nước láng giềng, các con số cũng tăng “chóng mặt”. Tại Czech, trong tháng 10, lạm phát tăng 5,8%, ở Hungary 6,5% và ở Ba Lan 6,8%. Theo dự báo của Oxford Economics, một công ty phân tích kinh tế của Anh, năm nay lạm phát ở Trung và Đông Âu dự kiến sẽ tăng 7%, trong khi ở khu vực đồng euro, mức tăng dự kiến là 3,7%.
Liam Peach, Nhà kinh tế tại Capital Economics (Anh) nhận định: “Khu vực này có nguy cơ tăng giá kéo dài trong vài năm tới”.
“Tại thời điểm này tình trạng lạm phát chủ yếu liên quan đến giá đối với nguyên liệu điện tử và chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các nước đang hội nhập sâu vào hệ thống sản xuất châu Âu”, chuyên gia ngân hàng ING Slaski của Ba Lan, ông Rafal Benecki cho biết.
Theo Le Monde, không có gì ngạc nhiên khi các hộ gia đình là những người đầu tiên phải hứng chịu điều này.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cho biết, ở Romania và Hungary, chi phí sưởi ấm và năng lượng lần lượt chiếm 25% và 22% chi tiêu ở các hộ gia đình, trong khi ở Đức chỉ là 7%.
Trong một nỗ lực để giữ cho các cử tri trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2022, nội các của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào ngày 11/11 thông báo rằng, giá xăng và dầu diesel tại các trạm bơm sẽ được giữ ở mức 480 Forints (1,31 Euro)/lít trong 3 tháng tới. Romania cũng đang xem xét các biện pháp tương tự.
“Tuy nhiên, áp lực lạm phát không phải là một hiện tượng mới trong khu vực này”, Le Monde viết.
Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 đã giảm xuống 3,9% ở Slovenia, 3,6% ở Hungary, 3,4% ở Ba Lan và 2,6% ở Czech, so với 7,4% ở khu vực đồng euro.
Nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng Randstad tại Hungary, Romania và Czech cho biết: “Mọi người đều đang đấu tranh để tuyển dụng nhân viên”.
Tình trạng thiếu lao động trở nên trầm trọng hơn do chảy máu chất xám sang phương Tây và lực lượng lao động thu hẹp đi kèm với mức sinh thấp.
“Mỗi năm ở Hungary, số người nghỉ hưu vượt quá số lượng người tham gia thị trường lao động 50.000 người. Việc thiếu ứng viên tuyển dụng góp phần làm cho mức lương của các nhân viên cũ tăng và kéo theo giá cao hơn”, nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng Randstad cho hay.
Lạm phát là cốt lõi của một trong những cuộc tranh luận lớn nhất trên khắp các thị trường toàn cầu trong năm nay. (Ảnh: Pixabay) |
Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu hành động để ngăn chặn sự tăng trưởng này. Vào ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Ba Lan nâng lãi suất từ 0,5% lên 1,25%. Vào ngày 4/11, Czech cũng gây bất ngờ cho công chúng khi tăng tỷ lệ từ 1,5% lên 2,75%.
Theo các nhà kinh tế, việc thắt chặt chính sách tiền tệ này, cũng được thấy ở Romania và Hungary, sẽ hạn chế giá cả và cho vay mà không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Mặt khác, sự phát triển của thị trường lao động trong khu vực này cũng đang gây tranh cãi. Tình trạng thiếu lao động thực sự có thể hạn chế tăng trưởng trong tương lai, mặc dù tự động hóa dây chuyền sản xuất đã được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô, có thể bù đắp phần nào tình trạng thiếu lao động .
“Ở Ba Lan, 1,5 triệu người Ukraine di cư cũng đáp ứng một phần nhu cầu trong một số lĩnh vực nhất định”, ông Rafal Benecki nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sinh thái cũng có thể dẫn đến việc phá hủy hệ sinh thái việc làm trong các ngành công nghiệp truyền thống và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Trước đó, theo các nghiên cứu, lạm phát đang tăng mạnh tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.
Tại Mỹ, giá tiêu dùng đang “chạy đua” ở mức nhanh nhất kể từ năm 1990. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, giá sản xuất đang làm lung lay các dự báo. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới là Đức cũng nằm trong số các quốc gia có xu hướng tương tự về lạm phát leo thang.
Theo số liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Còn ở Nhật, chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Tại Trung Quốc, Cục Thống kê Quốc gia cho biết, chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ và châu Âu chuẩn bị cho đợt bùng phát mới Covid-19
Mùa đông sắp tới đe dọa Mỹ và châu Âu với một đợt bùng phát mới Covid-19.
Thanh Bình (lược dịch)