Người 'rước' Covid-19 vào Việt Nam cần phải xử lý hình sự
Theo luật sư, nếu các cơ quan chức năng đang thực hiện điều tra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, bệnh nhân 1440 có nguy cơ bị truy cứu về tội “Làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người”.
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát. Đây chính là nỗ lực to lớn của toàn thể nhân dân và nhà nước.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, nước ta đang phải đối mặt với sự phức tạp của tình hình dịch bệnh, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng do một số đối tượng nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh về nước.
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt nhưng vẫn còn "lỗ hổng". |
Ngày 23/12, nhóm 7 người từ Thái Lan đến Campuchia. Sau đó, 6 người trong nhóm đi từ Campuchia vượt biên về nước. Khi đến địa phận của Việt Nam, nhóm đi về TP.HCM bằng xe 7 chỗ (hiện cơ quan chức năng đã tìm được xe và tài xế).
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được 4 trong số 6 người nhập cảnh trái phép bị nhiễm Covid-19, hàng trăm người thuộc diện phải cách ly và xét nghiệm, chờ kết quả.
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang vất vả truy tìm dấu vết của những đối tượng trên để tìm ra mốc dịch tễ, kịp thời ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Chỉ trong ngày 28/12, lực lượng Bộ đội biên phòng đã phát hiện 110 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chủ yếu đi qua khu vực đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia.
Đây không phải là hành vi vi phạm mới. Nhưng trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm và phức tạp như hiện nay, nguồn bệnh vào nước ta từ bên ngoài vào là cơ bản, chủ yếu. Do đó, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng từ nguồn nhập cảnh trái phép qua biên giới sẽ trở thành mối nguy cơ, đe dọa lớn. Chừng nào chưa xử lý nghiêm minh các đối tượng nhập cảnh trái phép, chừng đó dịch bệnh còn nguy cơ xâm nhập, phá hoại công sức phòng chống dịch của cả nước.
Theo luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự - TAT Law firm, để kiểm soát tình hình dịch bệnh, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản, quy định mang tính chất răn đe, kiên quyết xử lí các đối tượng vi phạm.
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các mức xử phạt đã được nâng cao, nhiều khung xử phạt tăng gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng siết chặt hơn các biện pháp giám sát trong quá trình phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao ý thức của người dân… Tuy nhiên, một số trường hợp vi phạm vẫn chưa được xử lý nghiêm, áp dụng các biện pháp chưa đủ mạnh, dẫn đến nhiều cá nhân vẫn “bất hảo”, hoặc do hiểu biết hạn chế nên vẫn chưa biết “sợ”. Hệ quả là cả nước ta phải vất vả gồng mình để đối phó với dịch bệnh, điển hình là trường hợp của bệnh nhân 1440”.
Theo luật sư, đối với trường hợp của bệnh nhân 1440, cần phải mạnh tay xử lí hành vi vi phạm, nếu có cơ sở cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự. "Rõ ràng là bệnh nhân 1440 từ Thái Lan trở về, đây là nơi đang bùng dịch trở lại nên khả năng bị nhiệm bệnh rất cao. Bệnh nhân đã không thực hiện việc nhập cảnh theo đúng quy định pháp luật mà lại có hành vi lén lút vượt biên để trở về nước. Trường hợp này có căn cứ thể hiện rõ bệnh nhân 1440 phải nhận thức được việc nhập cảnh trái phép đó là nguy hiểm, có nguy cơ mang nguồn bệnh trở về Việt Nam.
Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện điều tra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, bệnh nhân 1440 có nguy cơ bị truy cứu về tội “Làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người". Nếu không triệt để răn đe các đối tượng vi phạm để làm gương, ngăn chặn những đối tượng có ý đồ tương tự, nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát, khó kiểm soát. Sự hỗn loạn từ tình hình dịch tễ tại các nước là một minh chứng mà chúng ta phải rút kinh nghiệm", luật sư nêu quan điểm.
Sông Yên