4 người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19, sao vẫn chưa khởi tố tiếp viên hàng không lây dịch ra cộng đồng?
Nhóm người nhập cảnh trái phép vào miền Nam đã bị phát hiện 4 ca nhiễm Covid-19. Vụ việc dấy lên nhưng lo ngại căng thẳng và đặt dấu hỏi phải chăng việc xử lý những người gây lây lan dịch ra cộng đồng còn chưa đủ cứng rắn?
Chiều 29/12, TP.HCM xác nhận đã có kết quả xét nghiệm của thanh niên tên K. nhập cảnh 'chui' về quận 9, người này dương tính với Covid-19 và là người thứ tư trong nhóm 6 người nhập cảnh trái phép về các tỉnh thành phía Nam nhiễm Covid-19.
Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sau đó lại phải gồng mình truy vết, khoanh vùng những địa điểm mà bệnh nhân từng đến, đồng thời kêu gọi người dân không lơ là trong phòng chống dịch bệnh.
K. nằm trong nhóm 6 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vào sáng sớm 24/12, trong đó đã có tới 4 bệnh nhân Covid-19, là bệnh nhân 1440 (Vĩnh Long), bệnh nhân 1451 (quận 5, TP.HCM), người phụ nữ tên N. ở Đồng Tháp (đã có kết quả dương tính Covid-19 vào sáng 29/12), một người tên V. ở quận 1 và người tên T. ở huyện Hóc Môn.
Trong đó, người được phát hiện sớm nhất là bệnh nhân 1440. Sau khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và về nhà ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, anh được người nhà đưa đi khai báo và được phát hiện dương tính với Covid-19 ngày 26/12.
Phẫn nộ hơn là bệnh nhân 1440 đã khai báo bất nhất khiến nhiều tỉnh, thành, địa phương vất vả truy vết. Lần lượt các địa phương: Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Long An, An Giang đã phải tung người đi các ngả để truy vết những người tiếp xúc với người bệnh.
Trong khi đó, chỉ mới đầu tháng 12, vụ lây nhiễm trong khu cách ly của đoàn tiếp viên hãng hàng không quốc gia, sau đó lan ra cộng đồng đã làm xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến KT – XH của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Trả lời Infonet, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từng nhấn mạnh, với công tác phòng chống dịch, chỉ một hành động nhỏ nhưng sơ sểnh là có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Đưa ra dẫn chứng của trường hợp nam phi công người Anh chỉ với hành vi không tuân thủ quy định cách ly tại nơi cư trú mà khiến hoạt động KT – XH bị đình trệ một thời gian.
Theo đó, địa phương này đã phải cho hàng nghìn sinh viên nghỉ học tập trung chuyển sang hình thức học online, một loạt hàng quán phải đóng cửa, nhiều khu vực dân cư bị phong toả... Ngành Y tế lại một phen“lao đao” với hành vi thiếu ý thức của những người này.
“Số lượng lớn người phải đi cách ly, hàng ngàn mẫu xét nghiệm được tiến hành... Đình đốn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác trong đó có việc tạm dừng các chuyến bay thương mại ở thời điểm đó. Rõ ràng chúng ta thấy từ một hành vi rất nhỏ nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn”, bà Trang phân tích.
Thật đáng tiếc khi toàn xã hội đang cùng chung tay, nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 thì vẫn còn đó những cá nhân thiếu ý thức đã gây ra hậu quả khôn lường.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm khắc, nặng tay đối với những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật đối với công tác phòng chống dịch. Đặc biệt với những tổ chức, cá nhân khai báo y tế gian dối, có hành vi nhập cảnh “chui”, khai báo quanh co để rồi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hiện hữu. Không quá khi nói rằng hành vi reo rắc mầm bệnh ra cộng đồng là tội ác.
Thế nhưng, quay trở lại vụ việc gần đây như trường hợp nam tiếp viên của hãng hàng không quốc gia không tuân thủ quy định cách ly, dẫu cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị khởi tố bị can thế nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy quyết định phê chuẩn của VKS...
Điều cần thiết ngay lúc này là cần ngay những vụ án xử điểm, xử nghiêm khác, kịch khung làm gương đối với các cá nhân gây lây lan dịch bệnh vào cộng đồng, có như vậy mới ngăn chặn được những cá nhân liều lĩnh bất chấp quy định phòng dịch, coi thường, phá hoại công sức, nỗ lực phòng chống dịch của quốc gia.
Trước đó, trả lời báo chí, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), BN1440 đã có hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tùy theo tính chất mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại điều 347 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo điều tra ban đầu, BN 1440 khai vào 19-11 đã cùng một số người khác xuất cảnh trái phép sang Lào rồi qua Myanmar để lao động. Làm việc được khoảng 45 ngày, tình hình dịch COVID-19 phức tạp, công ty ngừng hoạt động. Do đó BN 1440 lên mạng tìm người đưa trở về Việt Nam với giá 50 triệu đồng (chuyển khoản). Sau đó, BN 1440 đi xe từ Myanmar sang Thái Lan đến Campuchia. Ngày 23-12 được đưa xuống biên giới Khu vực Cửa Khẩu Chrey Thom, tỉnh Kandal đối diện Cửa Khẩu Long Bình, An Giang. |
Nếu BN1440 chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nêu trên thì sẽ không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, người này có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013 từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Theo luật sư Thanh, BN1440 trở về từ nước ngoài nhưng không tuân thủ quy định về khai báo, cách ly y tế. Nếu BN này lây lan bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Theo hướng dẫn tại công văn 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì BN1440 mắc Covid-19, dù chưa lây bệnh cho ai nhưng nếu người này không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự 2015.
H. Anh