Người nông dân thu bội tiền nhờ khởi nghiệp trồng sắn dây, nghệ
Nói về hành trình gắn bó với cây sắn dây, cây nghệ, anh Bùi Thanh Tùng (xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Tôi sinh ra ở TP Ninh Bình, sau khi học xong Trung học Phổ thông, tôi không học đại học như những bạn cùng trang lứa.
Vốn đam mê với nông nghiệp nên tôi đã dành thời gian tìm hiểu xem đất mình trồng được cây gì và nuôi con gì. Thời ấy, tôi cũng áp lực vì ai cũng nghĩ phải thoát nghề nông nghiệp thì cuộc đời mới đỡ vất vả, nhưng tôi để ngoài tai những lời nói ấy”.
Khoảng năm 2000 anh Tùng đến xã Văn Phú, huyện Nho Quan để thăm thú cũng như tìm cách phát triển nông nghiệp. Qua phân tích, được biết đất đồi núi khu vực này nhiều sỏi đá, có hàm lượng can-xi rất cao nên anh Tùng quyết định đem thân cây sắn dây đến trồng thử nghiệm.
Thật bất ngờ, kết quả trồng thử nghiệm cho thấy củ sắn trồng ở đất Văn Phú có hàm lượng khoáng chất cao, rất tốt cho sức khỏe nên anh quyết định gom hết tiền, thậm chí vay mượn về mua đất trồng sắn.
Cho đến giờ khi nói về những thành công của mình, anh Tùng cho rằng đó là sự may mắn cho việc đúng thời điểm bởi những năm 2000 thì đất ở Văn Phú vô cùng rẻ.
Chính vì thế trong thời gian ngắn anh nông dân này đã gom được 3ha và bắt đầu trồng thứ cây quen thuộc với nhà nông là cây sắn dây.
Hồi ấy, sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn dây và tìm được giống, anh đã đem những gốc sắn dây đầu tiên về trồng trên đất ở xã Văn Phú với hy vọng tạo ra một mô hình phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Theo kinh nghiệm học được, anh đã thay đổi cách trồng truyền thống mà thực hiện theo cách giâm đoạn dây to, mập gần gốc cho mọc mầm rồi chiết cây, để ra rễ mới đem trồng, phương pháp này cho năng suất cao, củ sắn nạc, nhiều bột và không bị xơ.
“Sau khi cải tạo đất, tôi đầu tư tiền để ươm giống, giàn leo cho sắn dây, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau 1 năm cây sắn dây cho thu hoạch, năng suất cao. Nếu biết chăm sóc thì sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc”, anh Tùng nói.
Bây giờ anh Tùng có khoảng 5ha trồng sắn dây và nghệ, tạo ra thu nhập cả tỷ đồng/năm. Khi đã trồng với số lượng lớn thì quy trình từ lúc trồng đến thu hoạch và sản xuất thành tinh bột sắn dây đều được anh áp dụng máy móc để đỡ tốn sức người.
Được biết, cây sắn dây trồng từ 9-10 tháng là cho thu hoạch, lúc này lượng tinh bột tạo thành tốt nhất. Anh Tùng chia sẻ kinh nghiệm, mùa thu hoạch sắn dây và củ nghệ so le nhau. Sau khi thu hoạch củ nghệ thì anh bắt đầu trồng sắn dây vào chính khu này, ngược lại chờ đến mùa thu hoạch sắn dây thì củ nghệ lại thay thế luôn vào khu đó.
Đan xen 2 loại cây ấy là các loại củ quả khác như bưởi, lạc, hành, tỏi… Quy trình hoàn toàn khép kín, mỗi cọng lá, thân cây đều có giá trị của riêng nó chứ không bỏ đi thứ gì.
Anh Tùng hào hứng chia sẻ rằng sắn dây vừa là thực phẩm vừa là loại cây dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Lá sắn dây, thân cây sắn dây và củ sắn dây có thể dùng để giải rượu, trị rắn cắn, điều trị nhiệt miệng, sốt, đái tháo đường, tăng huyết áp, đau mỏi vai gáy nên từ lâu nhiều gia đình đã sử dụng sắn dây, bột sắn dây như một thực phẩm không thể thiếu.
Có lẽ vì thế nên dù trồng với số lượng lớn nhưng anh Tùng cũng không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài bán sản phẩm tươi, anh Tùng áp dụng khoa học kỹ thuật để làm bột tinh chất.
Anh Tùng cho biết, chưa đến vụ tiếp theo nhưng cơ sở sản xuất bột sắn dây và bột nghệ của gia đình đã bán hết sạch, thậm chí còn được đặt hàng ngay cho vụ mới.
“Mô hình trồng cây của tôi là làm ra sản phẩm hữu cơ organic. Vì là sản phẩm bồi bổ sức khỏe nên tôi ưu tiên chất lượng hơn số lượng và có những cam kết đối với khách hàng”, anh Tùng nói.
Từ thành công của mô hình trồng sắn dây, anh Tùng đã mở ra hướng phát triển cây trồng mới cho bà con nông dân tại địa phương. Anh Tùng cũng như nhiều người dân xã Văn Phú đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoàng Thanh