Người lao động được nhận bao nhiêu tiền nếu bản thân hoặc có con nhỏ mắc Covid-19?
Bạn là người lao động đóng bảo hiểm xã hội, nếu chẳng may trở thành F0 sau khi dương tính với Covid-19, bạn sẽ nhận được những khoản tiền hỗ trợ từ Công đoàn, BHXH.
Những khoản tiền được hỗ trợ cụ thể như sau:
Thứ nhất, được hưởng tối đa 3 triệu đồng từ Công đoàn theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, người lao động được hưởng tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Được hưởng tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Lưu ý, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.
Người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm virus Sars-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 5 triệu đồng/người.
Thứ hai, người lao động nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng tiền hỗ trợ theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau.
Theo đó, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian nghỉ việc như sau: Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Điều 25, Điều 26 Luật BHXH 2014 cũng quy định chế độ, thời gian nghỉ để người lao động chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau (trong trường hợp này là F0) và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định trên.
Mức hưởng chế độ bản thân ốm đau, con ốm đau (theo quy định khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 Luật BHXH 2014) thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc áp dụng với người lao động là: Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. Mức hưởng này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Lưu ý: Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (Khoản 4, Điều 28 Luật BHXH 2014).
Thứ ba, người lao động là F0 được hưởng tiền dưỡng sức sau điều trị Covid-19. Trong vòng 30 ngày kể từ khi trở lại làm việc mà người lao động vẫn chưa hồi phục thì sẽ được nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe tối đa 5 ngày theo quy định của Luật BHXH 2014. Mức tiền được hưởng trong thời gian này là 30% mức lương cơ sở, tức 447.000 đồng/ngày, tổng sẽ là 2.235.000 đồng.
Ngoài ra, người lao động (không bắt buộc phải là F0) còn được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Điều kiện là lao động làm việc trong khối dân doanh, chỉ cần tham gia BHXH, tùy theo số tháng tham gia thì sẽ được hưởng mức tiền khác nhau.
Bên cạnh đó, tùy từng địa phương, người lao động sẽ được hỗ trợ dưới những hình thức khác nhau. Tại Hà Nội, Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội quy định hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do)…
Quyết định số 5073/QĐ-UBND ngày 2/12/2021 của UBND TP Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiền Anh