Người kế nhiệm bà Merkel sẽ nhận một ‘di sản chính sách đối ngoại khó khăn’
Tờ Das Erste nhận định, thời đại của Thủ tướng Angela Merkel sắp kết thúc và chẳng bao lâu nữa sẽ có người khác trở thành “gương mặt đại diện” của Đức trên trường thế giới.
Mối quan hệ căng thẳng với Nga, sự cạnh tranh mang tính hệ thống với Trung Quốc và suy nghĩ lại về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương - người kế nhiệm bà Merkel sẽ phải giải quyết một số nhiệm vụ khó khăn.
Mới đây, một khoảnh khắc đáng chú ý tại Berlin, khi Thủ tướng Đức và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đứng cạnh nhau trước ống kính. Ông Blinken có nói: “Mỹ không có đối tác nào tốt hơn, người bạn tốt nhất trên thế giới là Đức”.
“Đối với các nhà ngoại giao ‘mềm mỏng’ là điều thường thấy. Tuy nhiên, những lời này của ông Blinken khác xa với thông lệ. Ngoại trưởng Mỹ lại xem các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ tương lai ở Đức”, Das Erste viết.
Bất chấp tỉ lệ ủng hộ đang ở mức cao hơn 70%, nữ Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 5. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, bà Merkel, người sắp kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng, sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ này trong vài tháng nữa. Sau cuộc bầu cử vào Hạ viện, một người khác sẽ xác định các định hướng chung của chính sách đối ngoại, an ninh và đại diện cho nước Đức trên trường thế giới.
Các ứng cử viên cho chức Thủ tướng, họ nghĩ gì về vai trò của Đức trên thế giới? Vị trí của chúng khác nhau như thế nào? Chỉ cần nhìn lướt qua các vấn đề nghị sự trong tuần này là đủ để hiểu điều gì đang chờ đợi người kế nhiệm bà Merkel trong thời gian tới.
Đối với Mỹ, họ nói rõ rằng thời của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết!” của ông Trump đã đi đến hồi kết. Washington dự định dựa vào hợp tác quốc tế. Đổi lại, Mỹ mong đợi gánh nặng trách nhiệm được chia sẻ. Châu Âu và Đức phải điều chỉnh chính sách đối ngoại tích cực hơn, đặc biệt là ở các nước láng giềng. Chính phủ Đức đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong tuần này vì những nỗ lực hòa giải ở Libya.
Tuy nhiên, quân đội Đức cuối cùng có sẵn sàng nhận nhiều trách nhiệm hơn không? Chính phủ mới sẽ phải thống nhất các lập trường chung về các vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như chi tiêu quân sự hoặc khả năng sử dụng máy bay không người lái tấn công. Cuộc tấn công mới nhất vào quân đội Đức ở Mali một lần nữa cho thấy rủi ro của các cuộc hành quân nước ngoài là cực kỳ cao.
Trong khi đó, mối quan hệ với Nga chưa bao giờ ở mức thấp như vậy trong một thời gian dài. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel và ông Macron đã không thuyết phục được các nhà lãnh đạo châu Âu khác về sự cần thiết phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Putin. Ngược lại, họ đề xuất của các đồng nghiệp về việc hướng dẫn Ủy ban Châu Âu “cung cấp các biện pháp hạn chế bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế” đối với Nga.
Theo Das Erste, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) ở Biển Baltic vẫn là một “nguồn” gây ra các vấn đề. Mỹ lo ngại rằng “Nga có thể sử dụng dự án này để gây hại cho Ukraine”, và cuối cùng Tổng thống Biden đã nhượng bộ Đức. Hiện tại, không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra đối với các công ty Đức liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này, mặc dù có áp lực đáng kể đối với ông Biden đến từ trong nước từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Còn đối với Trung Quốc về kinh tế và quân sự thì sao? EU gọi nước này là “đối thủ hệ thống”. Nhưng bên cạnh sự cạnh tranh và đối phó, cần phải hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng như chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn phương Tây hoạt động như một mặt trận thống nhất. Điều này đã được Ngoại trưởng Blinken nhiều lần nhấn mạnh.
Vị trí của các đảng ở Đức, Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh, cũng nhìn nhận khác nhau về tương lai của Liên minh Châu Âu. Trong đại dịch Covid-19, bà Merkel đã sẵn sàng “vượt qua ranh giới đỏ” và đồng ý về một khoản nợ chung của EU. Tuy nhiên, một số câu hỏi được đặt ra: Quỹ phục hồi của Liên minh Châu Âu có còn là hoạt động một lần không? Hay là có thể phát triển thêm theo hướng nào? Danh sách các chủ đề có thể được mở rộng?.
“Bà Merkel hiện vẫn là thủ tướng và sẽ đến thăm Nhà Trắng vào giữa tháng Bảy. Nhưng cuộc chia tay đã bắt đầu. Và rồi các ứng cử viên kế nhiệm bà sẽ xếp hàng để lấp đầy khoảng trống rất lớn trong những năm tới”, Das Erste viết.
Theo truyền thông Đức, đến nay, các đảng đều đã chính thức công bố ứng cử viên thủ tướng của mình. Ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel vẫn còn là điều bỏ ngỏ, bởi về mặt toán học, có thể có nhiều hình thức liên minh cầm quyền được thành lập sau cuộc bầu cử ngày 26/9, đồng nghĩa với việc các ứng cử viên thủ tướng của các đảng mạnh đều có cơ hội trở thành thủ tướng Đức.
Bộ trưởng Anh mất chức vì 'nụ hôn nơi công sở' là ai?
The Sun đưa tin, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock (42 tuổi) đã từ chức sau khi bị lộ cảnh ôm hôn nữ trợ lý trong phòng làm việc, cũng như bị cáo buộc ngoại tình và vi phạm quy tắc phòng dịch.
Thanh Bình (lược dịch)