Bi hài chuyện quân đội Đức ‘ế’ cả kho bia khổng lồ ở Afghanistan
Theo ghi nhận, tại Afghanistan đã hình thành nguồn tích trữ bia Đức khổng lồ sau khi các binh sĩ nước này bị cấm dùng đồ uống có cồn.
AP đưa tin, có khoảng 22,6 nghìn lít đồ uống không có người nhận đã tích tụ trong khu trại Marmal ở thành phố Mazar-i-Sharif, bao gồm gần 60 nghìn lon bia.
Theo hãng tin này, trước khi ban hành lệnh cấm, các quân nhân được quyền uống 2 lon bia mỗi ngày. Tuy nhiên, sau lệnh cấm, quân đội Đức phải đối mặt với vấn đề hậu cần như họ không biết phải để số đồ uống dư thừa đi đâu.
Quân đội Đức ‘ế cả kho bia khổng lồ’ ở Afghanistan. (Ảnh minh họa) |
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Christina Routsi cho biết, loại đồ uống có cồn này không thể đem bán ở địa phương do các hạn chế về tôn giáo, mà cũng không được tiêu hủy vì lý do môi trường.
Kết quả là quân đội Đức đã tìm thấy một nhà thầu dân sự đồng ý đưa số bia rượu ra khỏi đất nước trước khi quân đội nước này rút khỏi. Các nhà quân sự hy vọng rằng đem bán bia ra bên ngoài Afghanistan sẽ trang trải được một phần chi phí vận chuyển.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: “Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, tất cả các lực lượng Đức sẽ rời Afghanistan vào giữa tháng 8 tới”. Điều này có nghĩa các binh sĩ Đức sẽ rời khỏi Afghanistan trước thời điểm cuối cùng binh sĩ Mỹ rút khỏi đây là ngày 11/9.
Theo Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer, với việc rút quân khỏi Afghanistan, việc triển khai binh sĩ Đức ở quốc gia này đã kết thúc “sau gần 20 năm cho sứ mệnh mất mát và nặng nề nhất trong lịch sử quân đội Đức”.
Bà nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là đưa tất cả binh lính, nhân viên dân sự và những người đồng đội quốc tế trở về quê hương khỏe mạnh và an toàn. Ngoài lực lượng của Mỹ còn có khoảng 7.000 binh sĩ nước ngoài triển khai tại Afghanistan, trong đó có khoảng 1.300 binh sĩ Đức.
Trong khi đó, bất chấp việc rút quân theo kế hoạch, Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn muốn tiếp tục sứ mệnh chính trị và nhân đạo ở Afghanistan. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm tình hình, nhưng công việc của chúng tôi ở Afghanistan sẽ tiếp tục”.
Theo ông, rõ ràng là việc rút quân của NATO và Mỹ sẽ có tác động tổng thể tới nước này. Ông cho rằng, LHQ đã hiện diện từ lâu ở Afghanistan, hoạt động trong lĩnh vực phát triển nhân đạo. Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) gồm khoảng 1.200 nhân sự, trong đó đa số là công dân Afghanistan, và không bao gồm lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tình tiết mập mờ trong vụ 16 máy bay quân sự TQ xâm phạm không phận Malaysia
Trung Quốc vẫn mập mờ trong việc tuyên bố số lượng máy bay quân sự từng xuất hiện gần không phận Malaysia.
Thanh Bình (lược dịch)