Người được ghép thận ở Chợ Rẫy cách đây 30 năm vẫn sống khỏe
“Chạy thận khổ sở lắm, đau ói trên giường bệnh, da dẻ xám xịt, ăn không nổi. Con đường sống mờ mịt như treo án tử trên đầu”, bà Võ Thị Thượng (65 tuổi, Long An) nhớ lại câu chuyện của 30 năm trước.
Khi đó, bà đã sinh được 2 con. Bất ngờ, bà nhận chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi tuần 3 lần, người chồng chở vợ trên chiếc xe máy cũ từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chạy thận. Nửa năm bệnh tật trôi qua, mỗi ngày chạy thận là mỗi ngày thêm tuyệt vọng.
"Tôi quá may mắn"
Một ngày cuối năm 1992, bà bất ngờ nhận tin được chọn ghép thận. Quyết định này dựa trên các chứng cứ y học, kết quả xét nghiệm, độ tương thích giữa người cho và nhận... Mới 6 tháng trước, Việt Nam vừa thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Học viện Quân y (Hà Nội).
“Tôi thấy mình quá sức may mắn. Dù có rủi ro, dù tôi chết khi ghép thận vẫn còn hơn sống thế này. Rất nhiều người đăng ký nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ chọn được hai ca. Tôi là một trong số đó, ghép vào ngày 29/12/1992”, bà Thượng nói. Trường hợp còn lại là một nam bệnh nhân được ghép thận vào ngày 28/12/1992.
Vài ngày sau ca đại phẫu, bà Thượng cảm nhận những khác biệt của một cơ thể vừa tái sinh. Trong 4 tháng nằm viện theo dõi, bà tăng 9kg vì ăn uống ngon miệng khiến Giáo sư Trần Ngọc Sinh (nguyên Trưởng khoa Ngoại tiết niệu) phải yêu cầu… hãm bớt.
Người tặng thận cho bệnh nhân Thượng, không ai khác, chính là cha ruột. “Cha cho tôi thận khi ông 59 tuổi. Bình thường, ông rất nhát, hơi bệnh một chút là rên. Vậy mà lúc bác sĩ nói phẫu thuật ghép thận cho tôi, ông không lo lắng gì, chỉ mừng thôi. Ghép xong ông còn cúng heo quay để cảm ơn”, bà Thượng kể. Ông cụ sống khỏe mạnh cùng vợ chồng con gái cho đến nay tại Long An.
Người ghép thận phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Giai đoạn đầu, bà Thượng bị nổi mụn và mọc lông rậm rì khắp mặt và tay, cơ thể bứt rứt do chưa quen thuốc. Đôi lúc bà cau có, bực dọc nhưng ông Huỳnh Quang Minh, chồng bà, luôn bên cạnh chăm sóc.
“Nghe tin vợ suy thận mạn, tôi sốc và thương lắm, xác định có lẽ không kéo dài được bao lâu. Cô ấy cũng có lúc cáu bẳn, nhưng mình luôn cố gắng chăm sóc. Thời điểm đó, chúng tôi gửi 2 con cho ông bà ngoại trông giúp. Vợ tôi may mắn được ghép thận, vui khỏe đến hôm nay. Tôi biết ơn các bác sĩ”, ông nói.
Phó giáo sư Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, chia sẻ ông và Giáo sư Trần Ngọc Sinh đã ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn toàn trong một tuần, theo dõi từng giờ, từng phút, từng ngày với các ca ghép đầu tiên.
“Nhìn thấy những giọt nước tiểu đầu tiên từ quả thận ghép, hạnh phúc vỡ òa. Chúng tôi không thể diễn tả được”, Phó giáo sư Sâm nhớ lại.
30 năm, hơn 1.000 ca ghép thận
Sáng 16/3, bà Thượng cùng chồng hội ngộ với các y bác sĩ trong lễ kỷ niệm 30 năm ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, nghệ sĩ cải lương Minh Vương - một bệnh nhân được ghép thận năm 2012 - cũng bày tỏ lòng tri ân đến người hiến tạng và các bác sĩ. Mười năm qua, ông vẫn đều đặn tái khám, lấy thuốc và biểu diễn trên sân khấu để thỏa đam mê nghệ thuật.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 ca đầu tiên vào năm 1992. Thành công này đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành ghép thận và ghép tạng.
Sau 30 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận cho 1.127 trường hợp, tỷ lệ thành công cao, tương đương với các nước trên thế giới. Bệnh viện cũng tiên phong triển khai các giải pháp mở rộng nguồn thận hiến như ghép thận từ người cho chết não, từ người cho tim ngừng đập, ghép đổi chéo người cho và ghép không tương hợp nhóm máu...
Đồng thời, áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu, ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao...
Để phát triển nguồn thận ghép, tạo sự công bằng trong ghép tạng, từ năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Các chuyên gia đầu ngành đều chung nỗi trăn trở về việc cần phát triển mạnh hơn về nguồn thận hiến từ người hiến chết não nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy có số lượng đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời cao nhất cả nước, chiếm khoảng 30%.
Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, gửi lời cảm ơn và tri ân tới những người đã hiến và sẽ hiến tặng một phần cơ thể của mình cứu sống nhiều người khác.
"Từ ca ghép tạng đầu tiên năm 1992 tại Học viện Quân y, ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy. Hiến tạng là món quà vô giá, không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn mở ra sự hồi sinh cho hàng ngàn người bệnh đứng bên bờ vực của cái chết", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Linh Giao