Học tại nhà, cha mẹ là giảng viên vẫn khó thay thế việc trẻ đến trường
Muốn homeschool, cha mẹ phải có kiến thức và nguồn lực
Hiện nay, nhiều cha mẹ lựa chọn hình thức cho con học tập tại nhà vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, theo Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, homeschool có thể phù hợp hoặc không phù hợp với cá nhân từng trẻ.
“Rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn homeschool (học tại nhà với cha mẹ hoặc gia sư) với online learning (học từ xa với giáo viên hoặc trường học qua mạng). Thực tế, với homeschool, vai trò của cha mẹ lớn hơn rất nhiều”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, khi lựa chọn homeschool, cha mẹ cần phải có thời gian ở nhà đồng hành cùng con và có khả năng hướng dẫn con thay cho giáo viên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học.
Ngoài ra, bản thân cha mẹ cũng cần phải tự học thêm rất nhiều để có thể đồng hành và hỗ trợ cho con.
Mặc dù hiện nay, việc thực hành homeschool đã dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của các tổ chức giáo dục chuyên cung cấp chương trình, tài liệu, thậm chí bài kiểm tra và cấp bằng, nhưng theo ông Nguyên, cha mẹ vẫn cần phải biết tiếng Anh và có những kiến thức, kỹ năng nhất định để thiết kế hoạt động học tập cho trẻ.
Trong homeschool, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chương trình, môn học; thiết kế thời khóa biểu học tập để cân bằng giữa hoạt động học thuật và các hoạt động phát triển thể chất, kỹ năng xã hội…
Thậm chí, ông Nguyên cho rằng, ngay cả những phụ huynh có lợi thế hiển nhiên như giáo viên phổ thông, giảng viên đại học… khi thực hành homeschool với con cũng cần phải học hỏi thêm rất nhiều điều.
“Cha mẹ có thể chỉ thay được hai người thầy, nhưng trường học lớn có thể có hàng chục, hàng trăm người thầy và các chuyên gia giáo dục được đào tạo, có kinh nghiệm ở nhiều chuyên ngành khác nhau như thầy cô dạy các môn học riêng biệt, chuyên viên tư vấn tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt, giáo viên hướng nghiệp...”.
Cho nên, dù homeschool đem lại những lợi thế nhất định như sự linh hoạt về thời gian, địa điểm, chương trình học hay tốc độ dành cho những học sinh có năng khiếu hoặc có khó khăn về khả năng tiếp nhận… ông Nguyên vẫn cho rằng homeschool khó có thể thay thế cho trường học bình thường.
“Học tại nhà có thể tối ưu và tạo sự thích thú cho một số trẻ, nhưng cũng có thể kém hấp dẫn với một số trẻ khác khi số lượng bạn bè và tần suất tương tác, giao tiếp trực tiếp không như ở trường học tập trung. Cho nên, hiệu quả của homeschool còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”, ông Nguyên nói.
Việt Nam nên có trường học phổ thông theo hình thức online
Homeschool hiện đang là hình thức học phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc… Việc công nhận kết quả học tập cũng khác nhau ở từng nước, thậm chí từng bang.
Tuy nhiên, ông Nguyên nhận định, có một điểm chung là các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều không phân biệt hình thức học tập, chỉ ghi nhận kết quả học tập được phản ánh qua các kỳ thi hoặc bằng cấp tiêu chuẩn.
Ví dụ, học sinh có bằng trung học, dù học theo hình thức chính quy tại trường, học với trường online hay học tại nhà có cơ hội giống như nhau, không có sự phân biệt đối xử.
Ở Việt Nam, ông Nguyên cho rằng, mô hình homeschool cũng nên được quy định chính thức với các điều kiện kèm theo như ở các nước, ví dụ phụ huynh cần phải có đủ điều kiện để thực hiện; học sinh cần tham gia vào các kỳ thi định kỳ bắt buộc và phải đảm bảo kết quả nhất định mới được tiếp tục duy trì. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên được cung cấp các khóa tập huấn căn bản dành cho cha mẹ nếu muốn dạy con tại nhà.
“Phụ huynh nên giữ tâm thế linh hoạt và tinh thần mở để lựa chọn những gì phù hợp và tốt nhất với trẻ ở từng thời điểm.
Cha mẹ cũng nên tìm hiểu và chuyển hướng sang trường học online khi việc homeschool đã vượt quá khả năng của mình. Nếu có khả năng tiếng Anh và học tập độc lập, trẻ hoàn toàn có thể tiếp cận với trường học từ xa thay cho homeschool”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, Việt Nam cũng cần phải có trường học phổ thông từ xa. Loại trường học này có thể hỗ trợ cho những học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận chương trình học thông thường, ví dụ như những học sinh ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn khi tới lớp; những học sinh đang điều trị bệnh; học sinh năng khiếu thể thao - nghệ thuật có lịch thi đấu, biểu diễn đặc thù; học sinh thường xuyên phải di chuyển theo cha mẹ…
“Hoàn cảnh của các học sinh khác nhau, do vậy càng có nhiều lựa chọn thì càng hỗ trợ cho học sinh được nhiều hơn”, ông Nguyên nói.
Không nên vì một vài trường hợp thành công mà vội vàng" Ủng hộ mô hình giáo dục tại nhà, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng một trường song ngữ quốc tế tại TP.HCM, mong muốn Bộ GD-ĐT nên công nhận homeschool và thành lập bộ phận này ở các Phòng, Sở, Bộ. “Homeschool nên được thừa nhận như một bộ phận giáo dục và hình thức này thực tế cũng mang lại hiệu quả tốt hơn cho một số trẻ. Ví dụ, có trẻ bị áp lực từ trường học, không thích ứng được, học tại nhà sẽ thuận lợi hơn… Tuy nhiên, đây là một quyết định phải suy xét kỹ”, TS Huyền nói. Theo bà, điều này còn phải phụ thuộc vào trình độ học vấn của cha mẹ, nguồn lực tài chính, ý chí tự học của trẻ… Bà cũng nhấn mạnh không ủng hộ việc phụ huynh chỉ nhìn vào một vài trường hợp thành công mà vội vàng, không suy tính đã đưa con về nhà dạy. “Đừng nổi cáu với giáo dục công rồi cho con nghỉ ở nhà mà không tính các điều kiện để dạy trẻ tại nhà. Nếu điều kiện bản thân chưa đủ có thể chọn cách homeschool một phần. Phụ huynh có thể dành nhiều thời gian hơn nữa để đồng hành cùng con trong việc học, cùng con tìm kiếm cách thức phù hợp để việc học trở nên hạnh phúc hơn” |
Thúy Nga