Người đạt "trình độ ngoại ngữ cỡ Thứ trưởng": Đếm trên đầu ngón tay
Ông Stephen Edwards,Giám đốc học thuật của trung tâm Anh ngữ RES cho rằng, việc đạt được bậc C2 (CEFR) có mức độ tương thích như bậc 6 trong khung năng lực Việt Nam là rất khó. |
Theo thông tư mà Bộ GDĐT ban hành ngày 21/1/2014, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR - Khung tham chiếu chung châu Âu).
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp tình hình, điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Theo đó, bậc 6 sẽ tương đương với bậc C2 của CEFR.
Và trình độ bậc 6 được mô tả tổng quát như sau: Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.
Để đối chiếu thực tế cũng như xem xét về tính khả thi của quy định này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Stephen Edwards, là người từng giữ các chức vụ chủ chốt về quản lý đào tạo giáo dục của các tổ chức khảo thí quốc tế và hiện đang là Giám đốc học thuật của trung tâm Anh ngữ RES.
Với kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực thẩm định đánh giá năng lực tiếng Anh qua các kì thi chuẩn quốc tế, ông có thể đánh giá và nêu những yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh bậc C2?
Bằng C2 nằm trong hệ thống giáo dục quy chuẩn Châu Âu đánh giá năng lực tiếng Anh và nó tương đương với thang điểm từ 8.0 đến 9.0 IELTS theo như bảng quy đổi quốc tế được công khai rộng rãi.
Ở đây tôi đơn cử bảng quy đổi của ĐH Cambridge- top 5 trường Đại học hàng đầu trên thế giới. Để đạt được ngưỡng điểm như vậy đòi hỏi trình độ thí sinh tương đương như người bản xứ ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Họ cần có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoàn thiện và trôi chảy, biết sử dụng và truyền đạt thông tin với tính chính xác tuyệt đối. Và trình độ trên không chỉ tương đương với người bản xứ thông thường, mà là những người được giáo dục bài bản tại Đại học và có nền tảng học thức sâu rộng. Bởi có một thực tế là rất nhiều thí sinh ở các quốc gia nói tiếng Anh thi IELTS nhưng không đạt được điểm tuyệt đối.
Bảng quy đổi cấp bậc ngoại ngữ theo ĐH Cambrigde (Anh) |
Vậy ông có thể cho biết thực tế về số lượng học viên tại Việt Nam đạt mức điểm từ 8.0-9.0 IELTS?
Theo như số liệu công bố mà tôi được biết, mức điểm IELTS phổ biến tại Việt Nam mà các thí sinh đạt được từ 5.0-6.0. Số đạt trên 8.0 rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay và Việt Nam hiện mới chỉ có 2 người đạt điểm 9.0 tính đến nay.
Theo kinh nghiệm cá nhân, ông có thể cho biết học viên đạt điểm IELTS cao chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng nào?
Điều này còn tùy thuộc vào yếu tố nền tảng tiếng Anh có sẵn của mỗi cá nhân và quá trình ôn luyện. Tuy nhiên, phần lớn thanh thiếu niên có ưu thế hơn trong việc học ngoại ngữ hay thi các chứng chỉ tiếng Anh.
Có rất nhiều thí sinh đầu tư học tiếng Anh, tiếp xúc với giáo viên nước ngoài từ nhỏ nên vốn tiếng Anh của họ được tích lũy trong cả một quá trình. Còn nếu đối tượng chưa từng học tiếng Anh thì quyết định thi ở độ tuổi cao hơn sẽ gặp một số trở ngại và bắt buộc cần tập trung thời gian để ôn thi cao độ.
Tuy nhiên, nếu học viên có chiến lược ôn thi hiệu quả, được các giáo viên xuất sắc truyền thụ kiến thức và chiến thuật làm bài thi thì có thể đạt được các mức điểm cao như 7.5-8.0, mức điểm này đã rất ưu tú.
Nhóm đối tượng là công nhân, viên chức từ 30 tuổi trở lên thì như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, có hai khả năng: Thứ nhất những công nhân viên chức đã có vốn tiếng Anh sâu rộng, qua thời gian đã có cơ hội công tác tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài.
Thứ hai là những viên chức không có nền tảng tiếng Anh, nếu muốn ôn luyện các kì thi như IELTS, thì họ phải gần như gác lại mọi công việc cá nhân để tập trung ôn thi cao độ.
Tôi đã từng phụ trách một chương trình với mục đích đào tạo tiếng Anh cho viên chức Việt Nam. Tất cả họ đều phải ngừng việc trong vòng 6 tháng và chỉ được đào tạo ngoại ngữ liên tục mỗi ngày. Với điểm đầu vào là 3.0- 4.0 IELTS, họ học không ngừng nghỉ và khổ luyện, tuy nhiên điểm đầu ra cũng chỉ dừng lại ở mức 6.0-6.5.
Đây không phải là một điểm số cao nhưng với thí sinh có trình độ sơ cấp, đây thực sự đã là một kỳ tích. Thực tế là đây gần như là ngưỡng điểm tối đa mà họ có thể đạt được, bởi ngay cả khi kéo dài thời gian đào tạo họ cũng khó nâng mức điểm lên cao hơn nữa.
Dựa trên những kinh nghiệm theo dõi và phụ trách các khóa học tại Việt Nam của tôi, ở độ tuổi trên 30 nếu thi chứng chỉ tiếng Anh khi chưa có nền tảng vững cần ít nhất 2 năm ngừng toàn bộ công việc chỉ để học thì khả năng đạt điểm như IELTS 7.5 hay 8.0 cũng không cao, chỉ dừng ở những ngưỡng thấp hơn.
Khả năng được điểm cao hay chứng chỉ quốc tế khả thi hơn khi người học bắt đầu ở độ tuổi thanh thiếu niên và thời điểm lý tưởng để học là khi 5-6 tuổi và bắt đầu vào cấp 2.
Xin cảm ơn ông nhiều!