Người dân được nhờ vì khám kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ, Hà Giang, trước kia bị bệnh nặng thì phải xuống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khám, nếu không được thì phải đi tận Hà Nội thì nay đã khác.
Nhiều bệnh nhân từ nhà tới BV huyện cũng mất 30 – 40 km chưa kể phải đi từ huyện đến tỉnh, Trung ương quãng đường dài gần 400 km, vừa tốn kém vừa mất thời gian đi lại, tìm chỗ ăn, ở rất vất vả, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng đến hiện tại thì người bệnh đến khám ở BVĐK huyện nhưng vẫn được các bác sĩ uy tín ở Trung ương chẩn đoán bệnh nên đỡ vất vả, tiết kiệm được nhiều chi phí.
BS Viên Đức Hải, Phó Giám đốc BVĐK huyện Quản Bạ cho biết: từ khi có hệ thống Telehealth đi vào hoạt động, chúng tôi gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị.
Sau khi bệnh nhân được các chuyên gia hội chẩn, kết quả được đưa vào hệ thống tại Hà Giang, bệnh nhân và nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu bằng tài khoản và mật khẩu của mình. Việc ứng dụng hệ thống KCB, tư vấn từ xa sẽ giúp bệnh nhân được kiểm tra, kiểm soát sức khỏe kịp thời.
Hà Giang: Người dân được nhờ vì khám kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện |
Tuy nhiên, hiện nay các BVĐK ở vùng sâu, vùng xa đều rất khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để kết nối. Như tại BVĐK huyện Quản Bạ còn thiếu máy chụp CT, nội soi… nên chỉ làm được các xét nghiệm cơ bản.
Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thấp; trang thiết bị chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu phát triển của các chuyên khoa, theo chức năng BV. Nhân lực của BV chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa lẻ, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên, chuyên khoa sâu.
Do đó, BV tuyến cơ sở cần được quan tâm đầu tư để đạt mục tiêu mà Đề án “khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế đề ra là mọi người dân đều được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.
Tương tự, tại BV huyện Yên Minh, Bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu như: Mổ nội soi sản khoa, ngoại khoa, tiêu hóa; phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung đường bụng; phẫu thuật cố định gẫy xương bằng khung cố định ngoại vi; tán sỏi lazer ngược dòng; mổ nôi soi phì đại tuyến tiền liệt; chạy thận nhân tạo; siêu âm 4D, CT, xét nghiệm sinh hóa tự động…
Nhờ tinh thần thái độ phục vụ tận tình chu đáo, Bệnh viện đã chiếm được sự tin yêu của người dân. Bệnh viện đã cử cán bộ đi học, tham gia chuyển giao kỹ thuật từ BV E Trung ương.
Nhờ vậy, nhiều kỹ thuật mới được triển khai thực hiện ở tuyến cơ sở, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng lên. Nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày càng dễ dàng, nhất là y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào DTTS. Chương trình mục tiêu y tế – dân số được triển khai đầy đủ, đồng bộ và có hiệu quả.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV AIDS... tiếp tục duy trì.
Hiện nay, Bộ Y tế đang đưa ra thí điểm giải pháp tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở “bác sĩ cho mọi nhà” được phát triển dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh, bao gồm kết nối qua các cuộc gọi có hình giữa:
Cán bộ y tế tại trạm y tế xã với người dân nhằm phổ biến các thông tin y tế và cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa;
và cho phép cán bộ y tế tại trạm y tế xã có thể nhận sự trợ giúp về chuyên môn từ các đồng nghiệp ở tuyến trên.
Giải pháp được triển khai thí điểm tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn là Hoàng Su Phì - Hà Giang, Cao Lộc - Lạng Sơn và Ba Bể - Bắc Cạn.
Kết quả bước đầu cho thấy các lợi ích rõ rệt trong việc tăng cường tiếp cận của người dân với các thông tin y tế, các dịch vụ chẩn đoán và điều trị có chất lượng tốt hơn.
Giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đặc biệt là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ trao đổi thông tin liên lạc, hội chẩn và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trong đại dịch Covid-19, và giúp giảm tải cho các cơ sở y tế ở tuyến trên.
K.Chi