Người dân Afghanistan bán thận để có tiền cứu gia đình khỏi chết đói
Thất nghiệp và không còn lương thực để ăn, nhiều người nghèo ở Afghanistan chỉ còn cách bán thận để có tiền cứu đói cho cả nhà.
Tình trạng đói nghèo kéo dài khiến nhiều người ở Afghanistan buộc phải đưa ra quyết định cực đoan là bán nội tạng để có tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
AP đưa tin, ở tỉnh Herat, phía tây Afghanistan, những người nghèo cần tiền đang đặt cược mạng sống của chính mình bằng cách bán thận.
Nền kinh tế của Afghanistan rơi xuống vực thẳm sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á vào giữa tháng 8/2021, giữa lúc quân đội Mỹ và các lực lượng quân sự NATO nhanh chóng triển khai rút quân.
Từ đây cộng đồng quốc tế đã cho phong tỏa toàn bộ tài sản ở nước ngoài, cũng như dừng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan, bởi họ không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban. Hậu quả nền kinh tế Afghanistan sụp đổ hoàn toàn sau 40 năm chiến tranh. Tình trạng thất nghiệp gia tăng càng gây ảnh hưởng nặng nề tới những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Afghanistan đó là những người nghèo.
Bác sĩ phẫu thuật ghép thận Nasir Ahmad chia sẻ, ông đã tiến hành 85 ca ghép thận trong năm 2021.
Theo ông Ahmad, với sự đồng thuận của bên hiến và bên nhận, chi phí toàn bộ cho quá trình mổ và ghép thận từ 600.000 – 800.000 Afghanis (5.255 – 7.007 euro).
Tùy thuộc vào nhóm máu, quá trình ghép một quả thận có thể có giá từ 200.000 - 400.000 Afghanis (1.751 - 3.503 euro) nếu tính thêm viện phí, thuốc men. Phí phẫu thuật là 400.000 Afghanis (3.503 euro).
Cũng theo ông Ahmad, phần lớn những người hiến thận là những người nghèo nhất và họ đang phải vật lộn để tìm cách nuôi sống cả gia đình.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo bán thận là lựa chọn tiêu cực và có thể gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Cụ thể, phần lớn người hiến thận sinh sống trong những gia đình nghèo khó và tình hình kinh tế càng bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan. Họ không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi mất đi một quả thận.
Bác sĩ Nội khoa Ahmad Shekaib nhấn mạnh thêm, trong khi mọi người chỉ nghĩ được ngắn hạn là bán thận để có tiền sống, họ không biết đang tự đẩy mình vào vòng nguy hiểm.
“Phần lớn những người bán thận vì khó khăn kinh tế sẽ đối mặt với các vấn đề sức khỏe dài hạn do cơ thể thiếu đi một quả thận. Văn hóa hiến thận không phổ biến ở Afghanistan. Do đó, những người được cho là đang tình nguyện hiến thận nhưng thực chất là người bán thận để lấy tiền sống”, bác sĩ Shekaib nhấn mạnh.
Tại ngôi làng Qudoosabad thuộc quận Kohsan của tỉnh Herat, cách đây một tháng, ông Ghulam Hazrat (40 tuổi) đã bán một quả thận với giá 230.000 Afghanis (2.014 euro) để có tiền nuôi cả nhà và trả số tiền vay mượn cho chuyến đi bất thành sang Iran để kiếm việc làm.
Một tháng sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan, ông Hazrat đã phải đi vay 20.000 Afghanis (1.751 euro) và dùng số tiền này trả cho những kẻ buôn lậu để đưa ông sang Iran với hy vọng tìm được công việc ở nơi đất khách. Tuy nhiên, ông Hazrat đã bị lực lượng chức năng Iran bắt và bị trục xuất về Afghanistan.
Sau khi trở về quê hương, ông Hazrat rơi vào tình cảnh túng quẫn khi không biết phải làm gì để có tiền nuôi cả nhà. Không đành lòng, ông buộc phải bán đi một quả thận.
“Tôi không thể ra ngoài để đi ăn xin. Do đó, tôi quyết định tới bệnh viện và bán một quả thận. Tôi có thể dùng số tiền này để nuôi bọn trẻ một thời gian”, ông Hazrat tâm sự.
Các bác sĩ khuyên ông Hazrat nên nghỉ ngơi một năm để hồi phục sức khỏe sau ca hiến thận, cũng như tránh làm việc nặng. Song ông Hazrat cho hay ông không chắc bản thân sẽ phải làm gì tiếp theo sau khi số tiền bán thận cạn dần.
Liên Hợp Quốc mới đây đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia hỗ trợ Afghanistan và các nước láng giềng số tiền 5 tỉ USD. Số tiền này sẽ chủ yếu được dùng để trả lương cho lực lượng nhân viên làm trong các ngành nghề thiết yếu và cứu trợ nhân đạo cho dân thường Afghanistan.
Ông Mir Ahmad, một người cao tuổi ở làng Qudoosabad, tâm sự tình hình hiện tại kèm theo cuộc khủng hoảng kinh tế đang đẩy người dân mà đặc biệt là người nghèo ở Afghanistan vào cảnh sống cực đoan.
“Phần lớn những người rời khỏi Afghanistan vì lo sợ tính mạng bị đe dọa, nhưng cũng có người đi để kiếm việc làm. Khi họ không thể nhập cảnh vào các nước khác, họ trở lại quê hương và phải trả số tiền đã vay mượn để vượt biên. Khi không có tiền trả nợ, họ buộc phải bán nhà cửa, gia tài hoặc bán thận và thậm chí là bán con”, ông Ahmad nói.
Nỗi cô đơn và hoảng loạn của 1.450 đứa trẻ Afghanistan một mình ở Mỹ sau sơ tán
Trong số 1.450 trẻ Afghanistan một mình ở Mỹ sau sơ tán, hàng trăm em đang vô cùng cô đơn và hoảng sợ do không biết bao giờ được đoàn tụ với gia đình.
Minh Thu (lược dịch)